Nghị quyết 120 có ý nghĩa định hình chiến lược phát triển bền vững ĐBSCL theo hướng tổng thể. Điều đó được thể hiện đầu tiên qua chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH cũng như liên kết vùng phù hợp với xu thế biến đổi toàn cầu và khu vực. Nghị quyết cũng thể hiện khát vọng về một vùng ĐBSCL trù phú, lấy con người làm trung tâm, coi việc sử dụng hiệu quả tiết kiệm và bền vững tài nguyên nước, đất đai là triết lý phát triển.

{keywords}
Sự ra đời Nghị quyết 120 là minh chứng cụ thể cho việc chuyển từ thế bị động sang chủ động để dễ thích ứng với BĐKH, chủ động ứng phó với những biến động bất lợi từ bên ngoài, trong đó có cả dịch bệnh. Ảnh minh họa.

GS.TS. Mai Trọng Nhuận, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban Quốc gia về biến đổi Khí hậu đánh giá, việc triển khai Nghị quyết 120 được chỉ đạo một cách liên tục, hệ thống, đồng thời cũng được kiểm tra, đánh giá kết quả liên tục và đề xuất những giải pháp cụ thể. Theo ông: “Ít có Nghị quyết nào làm được như Nghị quyết 120 khi sau mỗi 2 năm lại được đánh giá một lần, không chỉ quy tụ đông đảo các cấp lãnh đạo, quản lý từ Trung ương đến địa phương, các nhà khoa học, các chuyên gia mà còn quy tụ đông đảo các tổ chức, đối tác quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong thời  gian ngắn đã làm cho ĐBSCL chuyển mình, thay đổi mạnh mẽ từ quy hoạch, đầu tư, cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội, văn hóa, con người…”.

GS.TS. Mai Trọng Nhuận phân tích trong bối cảnh BĐKH, nước biển dâng cũng như việc sử dụng nước thượng nguồn sẽ khiến hệ sinh thái mặn lợ ngày càng tăng, còn hệ sinh thái nước ngọt từ phía tây xuống ngày càng giảm. Đó là quy luật mà xưa nay chúng ta chưa tính đến đầy đủ để thiết kế, xây dựng chủ trương, chính sách, quy hoạch cho phù hợp. Đó cũng là quy luật mà chúng ta có thể nhìn thấy trước, bởi BĐKH chưa dừng lại được vì cho đến khi giảm phát thải xuống bằng 0 thì đến năm 2050, BĐKH mới bắt đầu mới giảm tác động. Vì vậy, chúng ta cần chủ động thích ứng, ứng phó mới đạt hiệu quả, góp phần làm giảm tổn thất, chi phí.

Sự ra đời Nghị quyết 120 là minh chứng cụ thể cho việc chuyển từ thế bị động sang chủ động để dễ thích ứng với BĐKH, chủ động ứng phó với những biến động bất lợi từ bên ngoài, trong đó có cả dịch bệnh. Sự chủ động được thể hiện thông qua nhận thức, tư duy, đặc biệt là thông qua quy hoạch, kế hoạch và chiến lược để thích ứng.

GS.TS. Mai Trọng Nhuận nêu dẫn chứng cụ thể như khi dự báo hạn hán xảy ra mạnh vào năm sau thì chúng ta chủ động chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, thời vụ, sắp xếp tổ chức sản xuất phù hợp với quy luật của thời tiết, qua đó giảm hẳn tác động của thời tiết, của tự nhiên vào sản xuất. Còn dự báo được sạt lở thì chủ động quy hoạch lại dân cư, làm kè bờ chắn sóng sẽ không gây tổn thất.

“Chủ động là phải nắm được diễn biến thiên tai, tìm được quy luật phát triển của tự nhiên để xây dựng chiến lược, chính sách và hành động triển khai các chương trình, dự án cho phù hợp”, GS.TS. Mai Trọng Nhuận nói.

Nghị quyết 120 ngoài nhấn mạnh vào đầu vào như cơ sở hạ tầng, sản xuất, kinh doanh… còn đặc biệt chú ý đến đầu ra cho sản xuất (thị trường). Trong đó chủ động dự báo phát triển thị trường, thị trường thế nào thì sản xuất đi theo như thế. Đầu ra thứ hai là hiệu quả kinh tế xã hội chứ không phải đơn thuần là sản lượng. Đầu ra thứ ba chính là sức khỏe, hạnh phúc của người dân. Đây là kết quả quan trọng nhất mà mọi chủ trương, chính sách hướng đến. Trong đó Nghị quyết 120 đặc biệt nhấn mạnh và được tính đến nhiều hơn trong tổ chức thực hiện cũng như được điều chỉnh trong các chương trình, kế hoạch cho phù hợp.

Hồng Liên