Dịch bệnh kéo theo việc chiếu xạ bị ngưng trệ, xuất khẩu trái cây sang Mỹ ách tắc

Những ngày này, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đứng ngồi không yên vì mặt hàng này không thể xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Nguyên nhân là bởi từ tháng 3, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Mỹ đã yêu cầu nhân viên bản xứ phải quay về nước, trong đó có nhân viên của Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS).

Đáng chú ý, APHIS chính là đơn vị trực tiếp kiểm dịch, giám sát quy trình tại Nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn ở TP.HCM – nhà máy chiếu xạ duy nhất được Mỹ công nhận ở Việt Nam.

Khi nhân viên của APHIS về nước, đại sứ Mỹ tại Việt Nam được ủy quyền theo dõi việc chiếu xạ, nhưng mỗi ngày chỉ làm việc 2 tiếng. Song, từ 7/8, do không phải chuyên môn của đại sứ Mỹ nên họ ngừng tiếp nhận việc kiểm dịch, kéo theo việc chiếu xạ bị ngưng trệ, xuất khẩu trái cây sang Mỹ ách tắc.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhận định, nếu việc ách tắc kéo dài sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Mỹ. Đặc biệt, doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu trái cây cho nông dân sẽ lỗ. Bởi kể cả không xuất được, họ vẫn phải trả tiền cho nông dân.

{keywords}
Cơ quan chức năng của Bộ NN-PTNT nỗ lực gỡ khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Mỹ

Bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết, các đơn hàng giao cho khách phía Mỹ đang bị ngưng lại, doanh nghiệp rất khó thu mua nguyên liệu cho nông dân.

Nỗ lực phối hợp với phía Mỹ khơi thông đường cho trái cây xuất khẩu

Để gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Mỹ cũng như tránh cho người nông dân phải bán trái cây với giá rẻ khi tình trạng xuất khẩu bị ách tắc, ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, từ cuối tháng 7, APHIS đã đồng ý cử nhân viên sang Việt Nam để kiểm dịch cho các lô hàng trái cây tươi xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, dịch Covid-19 tái phát nên việc cấp phép thủ tục lên máy bay gặp khó khăn từ cả hai phía.

{keywords}
Ngành Nông nghiệp nỗ lực gỡ khó, trái cây xuất khẩu sang Mỹ được khơi thông

Thủ tục xin cấp phép cho chuyên gia của APHIS lên máy bay phải có phương án cách ly, đưa đón. Nhưng muốn có phương án cách ly phải biết thông tin chuyến bay, thông tin về hộ chiếu và visa. Những thông tin này chỉ có được sau khi phía Mỹ cho phép chuyên gia đến Việt Nam.

"Chúng tôi đã có những thông tin này để làm thủ tục phía Việt Nam, song hiện nay các chuyến bay thương mại chưa có nên chưa có thông tin chuyến bay để lên phương án...", ông Hiếu nêu rõ.

Cục Bảo vệ thực vật đang nỗ lực tìm chỗ trên một số chuyến bay của Asiana, Korean Air, Nippon Airlines và các chuyến bay của bảo hộ công dân... để nhân viên kiểm dịch của APHIS sang Việt Nam sớm nhất có thể, ông Hiếu cho hay.

Ngày 11/8, phía Mỹ mới chính thức cung cấp thông tin cán bộ kiểm dịch thực vật cho Cục Bảo vệ thực vật để làm thủ tục, đồng thời đưa ra yêu cầu điểm đến là sân bay quốc tế Nội Bài và khách sạn do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam bố trí.

Trong thời gian chờ đợi chuyên gia Mỹ sang Việt Nam, ông Hiếu cho biết, Cục Bảo vệ thực vật nỗ lực làm việc với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đề nghị họ cho phép cán bộ Đại sứ quán tiếp tục thực hiện giám sát xử lý chiếu xạ trái cây tươi xuất khẩu sang thị trường này và đã được chấp thuận.

"Cán bộ của Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM sẽ bắt đầu trở lại làm việc tại cơ sở chiếu xạ kể từ tuần này,  đồng nghĩa với việc trái cây sẽ xuất khẩu sang Mỹ bình thường trở lại sau khoảng thời gian “tắc” đường sang Mỹ khoảng 3 tuần", ông Hiếu nói.

Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT) cho hay, trong khi xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc đang có chiều hướng sụt giảm mạnh thì xuất khẩu trái cây sang Mỹ lại tăng mạnh. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Mỹ đạt 77 triệu USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2019.

Hà Giang