Ảnh hưởng của dịch

Thời gian qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực, gây ách tắc và làm đứt gẫy chuỗi cung ứng sản xuất, phân phối, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu thóc, gạo, đặc biệt tại Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp 4 tỉnh thành gồm An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ, vụ lúa hè thu năm nay hiện còn tồn khoảng 3 triệu tấn lúa, nhưng đến nay gặp ách tắc trong khâu thu hoạch và vận chuyển, dẫn đến giá lúa thấp khiến nông dân khốn khổ.

Bên cạnh đó, các địa phương áp dụng thời gian hiệu lực của xét nghiệm Covid-19 khác nhau, gây khó khăn cho các phương tiện vận chuyển (ví dụ như 4 tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ thì tình hình dịch gần như nhau nhưng Đồng Tháp, Kiên Giang và Cần Thơ cho phép hiệu lực trong 72 giờ trong khi An Giang chỉ có 24 giờ).

Các khách hàng là doanh nghiệp đang tổ chức sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” nên năng suất hoạt động bị giảm do thiếu hụt nguồn công nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng. Một số nhà máy của doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động do nằm trong vùng dịch.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có văn bản hỏa tốc gởi Chính phủ đề xuất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo được thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn thu mua lúa gạo hàng hóa trong bối cảnh các doanh nghiệp "chưa hoàn toàn được thuận lợi".

Theo đó, Bộ Công thương đề xuất Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ nhất định về lãi suất cho các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thế chấp vốn vay bằng chính sản phẩm sẽ thu mua.

{keywords}
Ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi vay cho ngành lúa gạo. Ảnh minh họa

Ông Phan Tấn Luân, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Long An chia sẻ do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên tình hình xuất khẩu gạo rất khó khăn, các doanh nghiệp chỉ xuất khẩu cầm chừng vì không có nhiều đơn hàng.

Chuỗi sản xuất, cung ứng của nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy, hàng hóa tồn kho với số lượng lớn, doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng. Đặc biệt là giảm đơn hàng, giảm sản lượng, trì hoãn, phát sinh thêm chi phí phòng chống dịch Covid-19. Nhiều trường hợp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực thu mua và chế biến nông sản dừng hoạt động do tình hình dịch.

Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn

Để góp phần hỗ trợ cho các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo, thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại có các giải pháp hỗ trợ người trồng và kinh doanh thóc, gạo.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ thóc, gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến thóc, gạo, góp phần giảm thiểu tình trạng ách tắc trong lưu thông, tồn ứ thóc gạo hiện nay tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.

các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp; chủ động làm việc trực tiếp với các thương nhân, doanh nghiệp để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thương nhân tiếp cận vốn phục vụ thu mua tạm trữ thóc gạo. Tuy nhiên, việc cho vay đảm bảo các nguyên tắc tín dụng hiện hành, quản lý được dòng tiền và thu hồi nợ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55, Nghị định 116/2018/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về cho vay kinh doanh xuất khẩu gạo; trong đó chú trọng cho vay các mô hình chuỗi liên kết thóc, gạo từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.

Các ngân hàng thương mại cần tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng; trong đó có các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi, phí, cho vay mới khôi phục sản xuất, kinh doanh…

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ thóc, gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến thóc, gạo theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; không để xảy ra tình trạng ách tắc, ứ đọng thóc, gạo do thiếu vốn tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh bám sát diễn biến, tình hình thị trường và việc cho vay thu mua tạm trữ thóc, gạo của các ngân hàng thương mại trên địa bàn để kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Ngoài ra, các ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng, trong đó có các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi, phí, cho vay mới khôi phục sản xuất, kinh doanh…

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú cho biết ngành ngân hàng sẽ áp dụng các giải pháp như tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của thương nhân kinh doanh, đầu tư, chế biến thóc, gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lý theo quy định hiện hành; mở rộng, tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp để đảm bảo đủ nguồn vốn thu mua, tạm trữ thóc, gạo cho người nông dân trong vụ Hè Thu, tới đây là vụ Thu Đông nhằm góp phần ổn định giá thóc gạo, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa.

Ngân hàng cam kết đồng thuận giảm lãi suất cho vay lên tới 1%/năm trong các tháng cuối năm để thu mua lúa gạo. Đồng thời, linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay, xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền; thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng để tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng…

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 7, dư nợ ngành lúa gạo trên toàn quốc đạt 144.657 tỉ đồng, tăng 11,33% so với cuối năm 2020. Riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long, dư nợ ngành lúa gạo đạt 74.139 tỉ đồng, tăng 15,45%, chiếm 51,25% dư nợ lúa gạo toàn quốc.

Từ đầu năm 2021 tới nay, các tổ chức tín dụng tại Đồng bằng sông Cửu Long đã cấp hạn mức tín dụng khoảng 56.000 tỉ đồng cho các doanh nghiệp, thương nhân thu mua, tạm trữ lúa gạo, đã giải ngân với tổng doanh số lũy kế 93.000 tỉ đồng để thu mua gần 7,3 triệu tấn gạo. Dư nợ thu mua, tiêu thụ đến cuối tháng 8 ước đạt 51.500 tỉ đồng, tăng 22% so với năm 2020, chiếm 92% hạn mức được cấp.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bảo Anh