Việc hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả ở Việt Nam kế hợp với giữ gìn môi trường hoà bình, phát huy sức mạnh nội lực, giữ vững chủ quyền, độc lập dân tộc, đổi mới sáng tạo sẽ góp phần tạo nên thành công trong tương lai của Việt Nam.

{keywords}
Ảnh minh họa 

Để tăng cường khả năng hội nhập quốc tế, Việt Nam cần phải nỗ lực vượt qua các thách thức sau:

Thứ nhất, môi trường quốc tế biến động nhanh và phức tạp; hợp tác và cạnh tranh luôn đan xen, biến đổi linh hoạt và cạnh tranh gay gắt, quyết liệt trong khu vực, trên thế giới. Tất cả đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết đối với hội nhập quốc tế của ta. Trong đó gìn giữ môi trường hòa bình cho phát triển và nguy cơ tụt hậu luôn là những thách thức thường xuyên, rất to lớn đối với cả nước. Trong đó, cạnh tranh với vai trò dẫn dắt sự phát triển của khoa học công nghệ cũng như các lợi ích từ việc đặt nền móng cho phát triển ứng dụng công nghệ cao (công nghệ cho 5G…), phát triển kinh tế số đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm và xử lý thấu đáo.
 
Thứ hai, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn cũng đặt nước ta vào vị trí có thể bị tác động nhanh hơn, cạnh tranh mạnh hơn bởi những biến động quốc tế. Đây là những vấn đề cần phải hết sức chú trọng, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, để hội nhập thực sự đóng góp tích cực nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới.
 
Thứ ba, sau hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của ta dù đã lớn mạnh hơn nhiều nhưng quy mô vẫn còn ở mức độ khiêm tốn, hạn chế; nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn hiện hữu. Công tác xây dựng năng lực hội nhập ở trong nước còn chưa đáp ứng những yêu cầu đặt ra, nhất là tranh thủ hiệu quả những cơ hội mà hội nhập mang lại.
 
Năng lực cạnh tranh của ta còn thấp. Một số ngành sản xuất đang đứng trước những thách thức lớn từ dỡ bỏ bảo hộ trong quá trình hội nhập, như mía đường, chăn nuôi… và thách thức từ khoa học công nghệ, CMCN 4.0 như dệt may, da giầy, nông nghiệp, chế biến, chế tạo, điện tử… Nhiều chỉ số môi trường kinh doanh còn khoảng cách khá xa so với các nước ASEAN-4, chưa nói đến chuẩn mực OECD. Hiệu quả hội nhập ở cấp địa phương, doanh nghiệp còn có những hạn chế, một phần do công tác thông tin, hỗ trợ còn thiếu, phần khác do một số nơi vẫn còn tâm lý thụ động, chờ đợi vào Trung ương. Những vấn đề lớn như vậy cần quán triệt tốt hơn, hiểu biết rõ hơn.
 
Thứ tư, cần đặc biệt lưu ý những yêu cầu mới về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương: “chủ động tham gia, tích cực đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế đa phương”. Đây là yêu cầu mới, rất cao và rất quan trọng đối với đất nước.
 
Để đáp ứng yêu cầu mang tính nguyên tắc của hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới, Việt Nam cần thực hiện 3 phương châm là: (i) nâng tầm, (ii) toàn diện và sâu rộng,  (iii) đổi mới sáng tạo và hiệu quả.
 
Chúng ta phải hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng để phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và khả năng thích ứng của đất nước. 

Trong bối cảnh hiện nay, các cấp, các ngành phải tập trung đổi mới sáng tạo và hiệu quả, coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể của Hội nhập quốc tế, hình thành thực sự văn hóa hội nhập.

Hằng Nga (tổng hợp)