Theo các chuyên gia kinh tế, để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng, vẫn cần tiếp tục hỗ trợ cả DN và người lao động, bảo đảm “phủ kín” về diện và đầy đủ về quy mô, gắn với cải cách cơ cấu và xu thế phát triển trên thế giới.

{keywords}
Như Nghị quyết 01 đã chỉ rõ, 2021 sẽ là năm đặt trọng tâm vào phục hồi và phát triển trong hoàn cảnh “bình thường mới”. Ảnh minh họa.

 

Thống kê từ VCCI cho thấy, trong năm 2020 đã có tới 95 chính sách cụ thể được các bộ ngành ban hành. Có những giải pháp rất kịp thời, thiết thực (như cho giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất, giảm phí dịch vụ vận tải, hàng không, du lịch); nhưng cũng có nhiều chính sách chưa phù hợp, chậm đi vào thực tiễn. Đơn cử là chính sách cho DN vay để trả tiền cho người lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến hết tháng 11-2020 mới có dưới 100 DN được nhận những khoản vay ít ỏi so quy mô gói hỗ trợ. 

Cải cách thủ tục hành chính, tất nhiên, vẫn là tiến trình cần kiên quyết thực hiện. Không gian cải cách còn rộng, bởi lẽ sức cản vẫn rất lớn, bằng chứng là Việt Nam vẫn chưa vào được tốp 4 ASEAN về mức độ chuyên nghiệp và thuận lợi trong thủ tục hành chính.

Thế nhưng, như thế là chưa đủ. Trọng tâm của năm 2021 phải là các chương trình phục hồi với những gói kích thích kinh tế (chứ không còn là hỗ trợ). Nói cách khác, chúng ta sẽ cần xúc tiến những lĩnh vực mới, huy động thêm nguồn lực để tạo ra môi trường kinh doanh năng động hơn. Nói như TS Nguyễn Đình Cung, do phải tập trung phòng, chống dịch bệnh, công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh có phần trầm lắng hơn trong năm 2020, nay cần tiếp tục “khơi dậy và tiếp lửa”. 

Điểm khác biệt là không chỉ dừng lại ở cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh như giai đoạn 2016-2020, việc cải thiện môi trường kinh doanh tới đây còn phải nâng cấp tính thị trường cho nền kinh tế; đồng nghĩa với việc tập trung phát triển các thị trường là nhân tố sản xuất, để các loại thị trường này thực hiện vai trò chủ yếu trong huy động, phân bố và sử dụng nguồn lực. Quan trọng không kém là cách thức phân bổ nguồn lực của nhà nước cũng cần “thị trường” hơn, căn cứ chủ yếu vào hiệu quả sử dụng nguồn lực. 

Cũng không còn dừng lại ở việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, năm 2021 sẽ là năm tập trung thực hiện, phát huy những giải pháp mạnh mẽ đã có. Trong số những dấu ấn quan trọng của Quốc hội khóa XIV, không thể không kể đến hàng loạt đạo luật về môi trường kinh doanh như Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Thẳng thắn mà nói, hiệu quả thực thi của các đạo luật này vẫn còn hạn chế. Nhiều DN cho biết họ gần như chưa nhận được lợi ích gì từ Luật Hỗ trợ DNNVV. Luật PPP đã có, nhưng vẫn chưa nhiều nhà đầu tư mạnh dạn chung tay cùng nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều cơ hội đã được mở ra từ các FTA thế hệ mới, nhưng làm thế nào để tận dụng được một cách hiệu quả nhất…

Để có được đáp án đúng cho những thách thức này, cần khắc phục một nhược điểm cố hữu đã được “điểm mặt chỉ tên” từ lâu: chia sẻ thông tin và phối hợp thực hiện chính sách. Thực tiễn đã chỉ ra rằng những lĩnh vực đòi hỏi càng nhiều sự phối hợp thì kết quả càng có khoảng cách với kỳ vọng. 

Tác động và sức ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với KT-XH toàn cầu nói chung cũng như đối với Việt Nam nói riêng vẫn rất khó lường. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, nguy cơ, thách thức luôn song hành cùng cơ hội. Hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, với việc thực hiện thành công các Nghị quyết 01, 02, năm 2021 sẽ là một năm tươi sáng hơn. 

Trần Thị Hảo