Theo kế hoạch ban đầu năm 2021, toàn tỉnh Bắc Ninh đào tạo nghề cho 2.500 lao động. Trong đó đào tạo lao động nghề trình độ sơ cấp;  đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, phụ nữ, người khuyết tật là 1.800 người; đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ là 700 người.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Ninh sẽ chủ trì, phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm với các đối tượng lao động được hỗ trợ; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị đào tạo nghề triển khai tuyển sinh đào tạo theo hợp đồng, nhiệm vụ đào tạo được giao đúng quy định về giáo dục nghề nghiệp…

{keywords}
Đào tạo nghề cho nông dân (Ảnh minh hoạ)

Đơn vị thực hiện đào tạo nghề là các Trường Cao đẳng, Trung cấp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Dạy nghề phục hồi chức năng cho người tàn tật; các tổ chức chính trị - xã hội, hội, đoàn thể, Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp - Hướng nghiệp, Trung tâm khuyến nông, khuyến công; hợp tác xã và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Việc đào tạo nhằm trang bị kiến thức nghề, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cho người học ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất góp phần tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, từng bước nâng cao mức sống của người lao động. Đồng thời, nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực nhằm cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc đào tạo nghề gắn với yêu cầu thực tiễn, nhu cầu của doanh nghiệp và quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thuỳ Mi