Cần hướng dẫn mới về xét nghiệm, cách ly trong KCN

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, diễn biến dịch bệnh trong các KCN ở Bắc Ninh, Bắc Giang hiện nay có hàng chục nghìn F1 nên cần có những biện pháp ứng phó phù hợp, linh hoạt, sáng tạo thay vì áp dụng theo đúng những hướng dẫn đã có.

Trong một nhà máy khi có ca nhiễm thì toàn bộ công nhân nhà máy đó được coi là F1 và được xét nghiệm PCR theo mẫu đơn, phải cách ly tập trung. Tuy nhiên, thay vì áp dụng máy móc như vậy, chúng ta cần phân loại F1 thành nhóm nguy cơ cao là người làm cùng bộ phận, phân xưởng, những F1 ít nguy cơ hơn để từ đó áp dụng kết hợp xét nghiệm PCR mẫu đơn, xét nghiệm nhanh, xét nghiệm mẫu gộp nhiều mẫu đơn, cũng như có thể thực hiện cách ly tập trung đối với F1 nguy cơ cao; cách ly nghiêm ngặt tại nhà đối với F1 nguy cơ thấp như chúng ta đã cách ly tại nhà đối với F2.

“Bộ Y tế cần có ngay hướng dẫn về vấn đề này, trước mắt có thể áp dụng trong các KCN ở Bắc Giang, Bắc Ninh, kể cả cách ly F1, F2”, ông Trần Đắc Phu kiến nghị.

Bắc Ninh, Bắc Giang linh hoạt làm mẫu, đúc rút, kết quả tốt thì nhân ra toàn quốc

{keywords}
Ảnh minh họa Thanh Hùng


Nhấn mạnh Bắc Ninh, Bắc Giang là hai tỉnh đầu tiên “thực chiến” phòng chống dịch bệnh trong KCN, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị: Trên tinh thần là “tướng chiến trường”, tất cả các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế, các bộ, ngành nếu chưa phù hợp trong thực tiễn thì hai tỉnh linh hoạt, sáng tạo, trách nhiệm trong thực hiện, từ đó đúc rút kinh nghiệm cho các KCN khác, cho các tỉnh khác.

Phó Thủ tướng nêu ví dụ: Quy định chung trước đây là F1 phải cách ly tập trung, xét nghiệm PCR mẫu đơn, bây giờ trong KCN không thể cứng nhắc như vậy. Chúng ta muốn đưa nhà máy, KCN trở lại hoạt động từng phần một thì phải linh hoạt hơn.

Hay trước đây trong các nhà máy, việc phân ca, phân kíp, tổ chức sản xuất không quan tâm nhiều đến việc công nhân ở đâu, chỗ nào thì bây giờ khi hoạt động trở lại, kết hợp với việc tổ chức lại sản xuất bên trong phải gắn với bố trí nơi ở bên ngoài của công nhân.

Phó Thủ tướng nhắc lại thực tiễn nếu những công nhân có nguy cơ được quản lý thật chặt tại nơi ở, thực ra là một hình thức cách ly, rồi có xe đưa đến nơi làm việc, bố trí sản xuất an toàn thì còn an toàn hơn là dừng toàn bộ hoạt động một nhà máy, KCN và đưa mấy chục nghìn người vào các khu cách ly tập trung. “Đây là thực tiễn mà hướng dẫn trước đây không còn phù hợp và phải điều chỉnh”. Bộ Y tế phải ra văn bản điều chỉnh ngay lập tức để Bắc Ninh, Bắc Giang linh hoạt làm mẫu, đúc rút, kết quả tốt thì nhân ra toàn quốc.

Trước thực tế không thể xét nghiệm hằng ngày cho toàn bộ một nhà máy có hàng nghìn công nhân, một KCN có hàng trăm nghìn công nhân, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh hơn nữa ứng dụng công nghệ để tính toán, chỉ ra những phân xưởng, nhà máy, bộ phận sản xuất, đối tượng cần được xét nghiệm sàng lọc theo từng ngày, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm chi phí.

Khai báo y tế tất cả công nhân để phòng ngừa từ sớm

Lãnh đạo Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT phối hợp, ban hành văn bản hướng dẫn yêu cầu tất cả người làm việc trong các KCN tập trung và người làm việc trong các nhà máy phải thực hiện khai báo y tế.

“Diễn biến tại Bắc Ninh, Bắc Giang cho thấy chúng ta phải phòng ngừa từ sớm, từ xa. Nếu có thêm nhiều tỉnh xuất hiện dịch bệnh trong KCN mà không có khai báo y tế trước, không đánh giá được nguy cơ thì sẽ rất lúng túng, Khi dịch bùng phát trong cụm công nghiệp ở TP. Chí Linh (Hải Dương), Ban Chỉ đạo đã quán triệt nhưng các tỉnh thực hiện chưa nghiêm túc. Chúng ta đều có hướng dẫn từng nhà máy, xí nghiệp bất kể ở đâu, đều phải tự đánh giá việc thực hiện phòng chống dịch bệnh và cập nhật thông tin lên hệ thống an toàn COVID (antoancovid.vn) nhưng mới được rất ít. Bộ Công Thương, chính quyền địa phương phải tăng cường trách nhiệm hơn nữa”, Phó Thủ tướng nói.

Về khó khăn trong thu hoạch nông sản ở vùng có dịch, Phó Thủ tướng nhắc lại thực tiễn ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) và đề nghị Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh khác sau này phải rất linh hoạt, không cứng nhắc. Người ở cùng một nhà trong thôn, xã thực hiện giãn cách xã hội thì khi ra đồng, ra ngoài làm việc trong môi trường thoáng khí, ngoài trời thì chỉ cần giữ khoảng cách với thành viên hộ gia đình khác, máy móc dùng chung thì sát khuẩn trước khi chuyển lại cho người khác dùng. “Phong tỏa 1 xã mà ngoài đồng cũng vắng theo thì nông sản thu hoạch thế nào, tiêu thụ ra sao. Các đồng chí phải rất sáng tạo”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Phạm Thiện