Sáng 16/10 (nhằm ngày 11/9 âm lịch) tại Đền thờ Nguyễn Trung Trực ở thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, Tỉnh ủy, HĐND – UBND – UBMTTQVN tỉnh Bình Định tổ chức Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực nhân kỷ niệm 153 năm ngày mất của ông nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao của Nhà yêu nước, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước, góp phần tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về lòng tự hào dân tộc.

Để tri ân vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực có gốc tích tại quê hương Bình Định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định đã xây dựng công trình Đền thờ ông tại Dốc Sáo, thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát.

{keywords}
Quần thể đền thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Bình Định.

Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch, sinh năm 1838 (Mậu Tuất) tại làng Bình Nhựt, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An); nguyên quán tại làng Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định (nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát).

Nguyễn Trung Trực đã tham gia nghĩa quân do Trương Định chỉ huy. Sau này, ông là thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ, đã trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh oanh liệt, tiêu biểu nhất là hai chiến công: đốt cháy, làm chìm tàu “Hy vọng” trên vàm Nhựt Tảo (tỉnh Long An) vào ngày 10/12/1861 và tiêu diệt đồn lũy đầu não của giặc Pháp ngay tại tỉnh lỵ Rạch Giá ngày 16/6/1868.

Ngày 19/9/1868, Nguyễn Trung Trực đã sa vào tay giặc. Thực dân Pháp đưa ông về Sài Gòn, tra khảo và chiêu dụ ông đầu hàng, quy thuận nhưng đều thất bại. Biết không thể mua chuộc, Pháp đưa ông về Rạch Giá xử chém vào ngày 27/10/1868 (nhằm ngày 12/9 năm Mậu Thìn).

Ý chí đấu tranh anh dũng và sự hy sinh bất khuất của Ông là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc với câu nói bất hủ “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Tên tuổi Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực là niềm cảm phục và tự hào của dân tộc Việt Nam nói chung và của nhân dân Nam bộ nói riêng. Ông được nhân dân Nam bộ tri ân, tôn thờ như một vị thần và lập đền thờ ở nhiều nơi.

Văn Giáp