Nâng cao năng lực cạnh tranh

Hai năm qua, tỉnh Lai Châu đã không ngừng tăng cường các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Theo kết quả công bố chỉ số cải cách hành chính (Par index) năm 2020 vừa được Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ công bố, Par Index của tỉnh Lai Châu tăng 13 bậc so với năm 2019, cao nhất từ trước tới nay, trong đó nhiều chỉ số thành phần tăng cao. 

Trong các chỉ số thành phần tăng cao, phải kể đến chỉ số thành phần đánh giá tác động CCHC đến kinh tế - xã hội của tỉnh tăng 37 bậc xếp hạng 4/63 tỉnh, thành phố. 

{keywords}
Quảng trường nhân dân thành phố Lai Châu.

Để đạt được kết quả này, tỉnh Lai Châu đã chú trọng giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư; sẵn sàng mở rộng cửa cho các nhà đầu tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp; quan tâm tổ chức các diễn đàn đối thoại, gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp thông qua Chương trình Cà phê Doanh nhân; tăng cường thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp tư nhân và Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh…

Tỉnh cũng cam kết với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư sẽ tạo điều kiện tốt nhất khi các doanh nghiệp đến với Lai Châu, nhất là về chính sách, đền bù giải phóng mặt bằng để các doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh lâu dài và bền vững. 

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đề ra 10 chỉ tiêu chủ yếu, 3 chương trình và đề án trọng điểm, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 6 giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch, tập trung đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh; xây dựng Lai Châu phát triển nhanh và bền vững. Đến năm 2030 tỉnh phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước.

Trên cơ sở các chỉ tiêu đề ra, UBND tỉnh đã đưa một số giải pháp chủ yếu thực hiện như đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo đồng thuận xã hội; tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm, thống nhất cao trong quá trình tổ chức thực hiện các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước; chú trọng khai thác hiệu quả lợi thế kinh tế biên mậu, cửa khẩu quốc tế, nắm bắt cơ hội thị trường, thúc đẩy phát triển hàng hóa có lợi thế; đẩy mạnh quan hệ kinh tế đối ngoại...

Riêng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, tỉnh đề ra 10 chỉ tiêu chủ yếu, 8 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2021 với tổng thu ngân sách địa phương là 7.649.720 triệu đồng, tăng 361.790 triệu đồng, tăng 4,96% so với dự toán Trung ương giao, giảm 10,5% so với dự toán năm 2020; dự toán chi ngân sách địa phương cấp tỉnh 3.708.768 triệu đồng, chi ngân sách huyện, thành phố 3.940.952 triệu đồng.

Về kế hoạch đầu tư công năm 2021 sẽ được thực hiện theo nguyên tắc chung như: Thực hiện các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021; các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành của Trung ương.

Phát triển kinh tế theo hướng bền vững, thân thiện môi trường

Tỉnh Lai Châu đã tận dụng tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Với lợi thế là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn, có khí hậu, thổ nhưỡng phong phú, đa dạng là điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp đặc sản, đặc biệt là các loại cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao. Phát huy lợi thế tài nguyên đất đai, khí hậu, tỉnh Lai Châu đã ban hành các đề án, nghị quyết về phát triển nông, lâm nghiệp với các vùng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều mô hình sản xuất đang được ứng dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân; nhiều sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa; đến nay, đã có 47 sản phẩm OCOP được công nhận...

Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, đạt kết quả tích cực, chất lượng được nâng lên. Cộng đồng thôn bản, nông dân phát huy vai trò là chủ thể, tích cực thực hiện chương trình, ứng dụng khoa học và công nghệ, liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường khu dân cư, góp phần đẩy nhanh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp.

{keywords}
Thủy điện Lai Châu, huyện Nậm Nhùn.

Lai Châu còn là tỉnh có vị trí quan trọng vùng thượng nguồn Sông Đà, điều tiết nước cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và hạ lưu, tỉnh Lai Châu tập trung khai thác tiềm năng lợi thế của tỉnh như phát triển công nghiệp thủy điện. 

Ngành công nghiệp thủy điện đóng góp phần lớn (trên 50%) vào thu ngân sách trên địa bàn tỉnh và nâng cao thu nhập từ dịch vụ môi trường rừng cho nông dân. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành đầu tư hạ tầng năng lượng, hệ thống chuyển tải giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện, khai thác hiệu quả tiềm năng thủy điện; tích cực đầu tư đưa điện về nông thôn, đến nay 100% xã, phường, thị trấn và 95,1% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia.

Lai Châu còn có lợi thế cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng, tỉnh đã và đang đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông kết nối Lai Châu với các địa phương trong khu vực; triển khai đầu tư, nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng. Quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và Nhân dân hai nước (Việt Nam – Trung Quốc) tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa, dịch vụ và giao lưu văn hóa qua biên giới... nhằm phát triển kinh tế biên mậu, tăng ngân sách, cải thiện đời sống người dân.

Lai Châu còn có tiềm năng về du lịch, những hang động tuyệt đẹp, những ngọn đèo hiểm trở, những thác nước ẩn mình trong rừng và những điệu xoè Phong Thổ...; vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ của những đỉnh mây ngàn, thác nước đẹp mê hồn như: Đèo Hoàng Liên Sơn (Ô Quý Hồ) cao 2.073m là một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam, được mệnh danh là cung đèo dài nhất Việt Nam quanh năm mây phủ trắng, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (cao 3.045m), đỉnh Pu Ta Leng (cao 3.049m)…

{keywords}
Khu du lịch đỉnh đèo Hoàng Liên, huyện Tam Đường.

Phong trào phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tại Lai Châu được các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hưởng ứng, có sức lan tỏa.

Năm 2020, tỉnh Lai Châu lần đầu tiên tổ chức “Tuần văn hóa du lịch Lai Châu” tại Hà Nội. Sự kiện tạo cơ hội kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp, công ty lữ hành, đơn vị, cá nhân đến hợp tác phát triển sản phẩm nông sản, ẩm thực, văn hóa, du lịch Lai Châu, góp phần mở rộng thị trường khách du lịch; đẩy mạnh kích cầu du lịch, tạo mối liên kết phát triển du lịch bền vững giữa các tỉnh khu vực Tây Bắc, hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch chất lượng độc đáo, hấp dẫn và thân thiện.

Đây sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh thúc đẩy phát triển du lịch, ngành công nghiệp không khói, trong đó chú trọng đẩy mạnh khai thác hiệu quả tuyến du lịch vòng cung Tây Bắc; hình thành tuyến du lịch đường thủy liên hồ trên sông Đà; thu hút được các đơn vị lữ hành đưa du khách đến với Lai Châu.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lai Châu tập trung đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tập trung lãnh đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ đột phá, quyết liệt thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Nguyễn Quân