Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII ghi nhận: “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay."

{keywords}
Ảnh minh họa 

Với tinh thần ấy, nhiều mục tiêu đã được đề ra, theo đó, tới năm 2030, khi kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao; đồng thời đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển và thu nhập cao.

Để đạt được những mục tiêu ấy, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc bày tỏ quan điểm ba mũi giáp công là thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng đã, đang và sẽ trở thành đột phá ở thời điểm này và trong những giai đoạn tiếp theo của nền kinh tế.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”. Đây là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng vừa thúc đẩy kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển; vừa phát huy vai trò của thành phần kinh tế này trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng trong tình hình mới.

Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân cũng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt tên là "Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" để gửi gắm niềm tin cùng với các thành phần kinh tế khác, sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân sẽ là động lực đưa nền kinh tế Việt Nam tới đích mạnh giàu, giống như "Khoán 10" trong nông nghiệp hơn 30 năm về trước đã mở đầu cho hành trình đổi mới ở Việt Nam.

Cùng với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư..., Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 hay loạt Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP hàng năm về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, quyết tâm đưa Việt Nam lọt vào nhóm 3-4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh hàng đầu ở Đông Nam Á.

Từ đây, nhiều địa phương trên cả nước cũng tích cực xây dựng chương trình phát triển doanh nghiệp. Kết quả đến nay, cả nước hiện có trên 800.000 doanh nghiệp ở mọi quy mô, lĩnh vực; cùng với khoảng 5,4 triệu hộ kinh doanh ở tất cả các ngành, nghề.

Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đã thực sự trở thành khu vực kinh tế lớn nhất của nền kinh tế quốc dân, với đóng góp trên 46% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội và trên 40% GDP cho đất nước.

"Tỷ trọng này đang ngày càng được nhân lên không ngừng," ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Có được những thành tựu này, theo ông Lộc, là nhờ Đảng và Nhà nước đã thành công trong việc khơi dậy sức dân. Khởi nghiệp-khởi nghiệp sáng tạo để các doanh nhân trở thành “người lính thời bình," lo sinh kế cho dân, làm giàu cho đất nước, trở thành lẽ sống trong các thế hệ trẻ và là phong trào thi đua yêu nước của toàn dân.

Hơn 100.000 doanh nghiệp được thành lập mới mỗi năm là lá phiếu của niềm tin mà người dân dành cho Đảng và Nhà nước. Đất nước đã có những tập đoàn doanh nghiệp tư nhân và thương hiệu Việt được vinh danh trong các bảng xếp hạng toàn cầu.

Các sản phẩm made in Việt Nam; make in Việt Nam; made by Việt Nam được thế giới ngày càng ưa thích. Đó là “màu cờ sắc áo” Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay.

Hoài Thanh, Quốc Huy