Ảnh minh họa

Tin tặc gia tăng giả mạo thông báo, hướng dẫn để phát tán mã độc

tin tặc đã gia tăng giả mạo các thông báo, hướng dẫn này để phát tán mã độc Trong thông tin giải đáp thắc mắc của công dân được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, Bộ Công an cho biết, khi dư luận xã hội quan tâm nhiều tới diễn biến của dịch bệnh và các thông báo, hướng dẫn về phòng dịch của cơ quan chức năng, tổ chức y tế, tin tặc đã gia tăng giả mạo các thông báo, hướng dẫn này để phát tán mã độc và thực hiện các cuộc tấn công lừa đảo.

Hơn thế, khi các quốc gia trên thế giới triển khai các biện pháp cách ly, giảm giao tiếp xã hội để hạn chế lây lan dịch bệnh, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chuyển sang làm việc trên môi trường mạng trong thời gian ngắn dẫn đến một số hạn chế.

Các hạn chế có thể kể đến như: Tin tặc can thiệp vào dữ liệu trực tuyến như thay đổi nội dung, chèn các nội dung không phù hợp; Nhà sản xuất ứng dụng thu thập trái phép dữ liệu cá nhân của người dùng và chia sẻ với các bên thứ ba mà người dùng không biết.

Ngoài ra, dữ liệu bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, bí mật nội bộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị lộ khi người dùng trao đổi qua các ứng dụng trực tuyến.

Tin tặc thông qua tấn công các ứng dụng trực tuyến để kiểm soát camera, micro trên thiết bị của người dùng hay việc lượng người dùng tăng đột biến nhưng nhà sản xuất không kịp thời nâng cấp phần mềm, hạ tầng kỹ thuật phù hợp dẫn đến chất lượng dịch vụ giảm.

Nghiên cứu kỹ lưỡng trong việc lựa chọn sử dụng các ứng dụng

Để đảm bảo an ninh mạng khi sử dụng các ứng dụng trực tuyến thời gian này, Bộ Công an khuyến nghị các cơ quan, tổ chức và người dân nghiên cứu kỹ lưỡng trong việc lựa chọn sử dụng các ứng dụng, tránh dùng các ứng dụng đang bị cảnh báo tồn tại lỗ hổng, điểm yếu bảo mật. Khi sử dụng các ứng dụng trực tuyến cần sử dụng các kênh có mật khẩu bảo vệ, xác thực người tham gia. 

Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức, người dùng được đề nghị không sử dụng các ứng dụng trực tuyến để trao đổi, gửi nhận các dữ liệu bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, bí mật nội bộ, bí mật cá nhân. Khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Đối với việc sử dụng hòm thư điện tử, Bộ Công an khuyến nghị, không mở các thư điện tử không rõ nguồn gốc; không tải, mở các tập tin, đường dẫn lạ khi không chắc chắn về nguồn gốc, địa chỉ hòm thư người gửi.

Đồng thời, cần chú ý kiểm tra tên địa chỉ hòm thư thật kỹ, tội phạm mạng thường sử dụng các ký tự gần giống nhau để đánh lừa người nhận, ví dụ: “boyte” thành “boyle”, “microsoft” thành “mlcrosoft”.

Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức và người dùng cũng cần thường xuyên cập nhật bản vá lỗ hổng bảo mật hệ điều hành và các ứng dụng trên các thiết bị, bao gồm máy tính để bàn, máy tính xách tay, điện thoại di động và các ứng dụng khác có kết nối Internet.

Trước đó, vào trung tuần tháng 3/2020, Bộ Công an cũng đã có cảnh báo về việc tin tặc lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp để phát động, tiến hành chiến dịch tấn công mạng có chủ đích vào các cơ quan, tổ chức trên thế, trong đó có Việt Nam.

Để phòng, chống không bị tin tặc tấn công, theo khuyến nghị của Bộ Công an, người dùng cần nâng cao cảnh giác khi truy cập Internet như không truy cập vào những liên kết lạ, không tải và mở về các tập tin không rõ nguồn gốc. Người dùng cũng cần cài đặt các phần mềm diệt virut có bản quyền và thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu, bản vá bảo mật cho hệ điều hành và các phần mềm ứng dụng. Trường hợp đã mở tệp tin đính kèm, cần ngắt kết nối Internet và liên hệ với bộ phận quản trị để khắc phục, xử lý.

Lê Hạnh