Tiến tới minh bạch công khai mọi dịch vụ công nghành Y tế 

Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sáng 17/11, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết, ngày 20/11 tới đây, Bộ Y tế sẽ chính thức khai trương Cổng Công khai y tế.

Theo đó, tất cả dịch vụ y tế sẽ được công khai. Trong đó, 60.000 loại thuốc, tất cả trang thiết bị y tế lưu hành ở Việt Nam, 28.000 loại thực phẩm chức năng cũng được công khai, kể cả công khai về quảng cáo, tiến tới công khai cả giá bán. Cùng đó, tất cả dịch vụ y tế của các cơ sở y tế cũng sẽ công khai.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, Bộ xác định phải công khai minh bạch theo đúng tinh thần Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: Công khai là thanh bảo kiếm chữa lành các vết thương.

Theo đó, ông cho hay, những dịch vụ công nào mà ngành Y tế cung ứng đều phải được công khai, như Thủ tướng đã chỉ đạo: “Không để người dân mù mờ về chi phí khám chữa bệnh”.

{keywords}
 GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế làm việc với tổ công tác của Chính phủ.

Ngoài ra, sắp tới Bộ Y tế sẽ khai trương hai nền tảng là mạng lưới Y tế Việt Nam và khai trương phần mềm điều hành điện tử tại 12.000 điểm trạm y tế xã. Trong đó, Y tế Việt Nam là mạng kết nối hơn 500.000 cán bộ y tế trong cả nước nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin, chuyên môn.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, tới đây, tại 12.000 điểm trạm y tế xã cũng sẽ không còn dùng hồ sơ giấy mà sẽ điều hành bằng phần mềm điện tử với sự hỗ trợ của các nhà mạng.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin, từ năm 2021, Bộ Y tế sẽ chính thức đưa vào sử dụng hơn 90 triệu hồ sơ sức khoẻ cá nhân.

Cũng trong năm 2021, Bộ Y tế sẽ thực hiện khám chữa bệnh ngoại trú không còn dùng giấy với khoảng 120 triệu lượt hồ sơ, trong số này có cả hồ sơ khám sức khoẻ giấy phép lái xe.

Cơ chế kiểm soát minh bạch thị trường thiết bị y tế

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế cho biết, thời gian qua thị trường thiết bị y tế (TBYT) đã có sự tăng trưởng rất nhanh cả số lượng, chủng loại lẫn giá trị kinh tế.

Nếu như như năm 2010, trị giá tổng vốn đầu tư TBYT ước tính chỉ khoảng 515 triệu USD, tăng lên 950 triệu USD năm 2016 và 1,1 tỉ USD năm 2017; năm 2018 là 1,53 tỉ USD thì tới năm 2019 con số này đã đạt 1,680 tỉ USD.

Để quản lý được khối lượng, chủng loại TTYT lớn nêu trên đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế, ngày 9/9/2020 Bộ Y tế đã tổ chức Lễ khai trương Cổng thông tin Công khai giá Trang thiết bị y tế.

Mục đích của việc này là để các đơn vị kinh doanh TBYT tại Việt Nam thực hiện công khai giá niêm yết TBYT, làm cơ sở cho các đơn vị, bệnh viện tham khảo khi lập kế hoạch đầu tư, mua sắm.

Đến nay tỉ lệ TBYT đã công khai giá chiếm khoảng 70%; vật tư y tế công khai giá chiếm tỉ lệ khoảng 60-70%; tỉ lệ này với trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro là 50%.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, để minh bạch thị trường trị giá hàng tỉ USD này Bộ Y tế đã xây dựng hệ thống phần mềm hỗ trợ việc công khai giá, doanh nghiệp sẽ đăng ký và được cấp tài khoản để tự thực hiện và chịu trách nhiệm quản lý các thông tin đăng công khai trên Cổng thông tin giá trang thiết bị y tế.

Việc xây dựng, quản lý phương án công khai giá tham khảo trên cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp cập nhật. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham khảo thông tin về giá thiết bị y tế sẽ tra cứu trên cổng điện tử của Bộ Y tế.

Vụ trưởng Nguyễn Minh Tuấn khẳng định, để thực hiện tốt nhiệm vụ công khai minh bạch giá TBYT, ngoài sự tích cực, nỗ lực của cơ quan quản lý, cần có sự tham gia tích cực, vào cuộc của các bên, trong đó có vai trò của bốn nhà.

Đó là nhà cung cấp: Có trách nhiệm công khai giá và các thông tin liên quan của các trang thiết bị y tế mình kinh doanh, sản xuất, nhập khẩu; đảm bảo giá cả và chất lượng như cam kết.

Nhà sử dụng: Các đơn vị, bệnh viện, cơ sở y tế có trách nhiệm tham khảo, xác định nhu cầu đầu tư mua sắm phù hợp với yêu cầu chuyên môn, kinh phí và khả năng khai thác, quản lý sử dụng của đơn vị; đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả.

Người dân, người bệnh: Thực hiện quyền giám sát và phản ánh kịp thời các thông tin, sự việc về chất lượng, giá cả, dịch vụ không phù hợp với công bố; thực hiện tốt phương châm là nhà tiêu dùng thông minh, hiểu biết dựa trên cơ sở các thông tin đã được cung cấp công khai, minh bạch.

Nhà quản lý: Có trách nhiệm chỉ đạo, quản lý Cổng công khai y tế theo từng lĩnh vực được phân công, đảm bảo sự đầy đủ, chính xác, tin cây của thông tin công khai và xử lý, chấn chỉnh các vi phạm, phản ảnh của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực mình quản lý.

Bảo Ngọc