LTSVới kênh Youtube hiện được tới 1,854,568 người đăng ký theo dõi, Khá Bảnh đứng thứ 60 trong số các kênh Youtube được subcribe nhiều nhất ở Việt Nam. 

Số lượng này tuy thua Sơn Tùng MTP (3,6 triệu subcribers), nhưng hơn xa các ca sĩ nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng (381 nghìn), hay các ca sĩ trẻ mới nổi như Win 365 (202 nghìn), Bích Phương (1,1 triệu), và hơn cả các kênh đầu tư rất công phu như Huỳnh Lập (1,663 triệu), DAMTV (1,61 triệu) hay Kem Xôi TV (1,548 triệu). Facebook của Khá Bảnh cũng có tới hơn 3000 bạn và khoảng 670.200 người theo dõi. 

Điều gì tạo nên độ “hot” khủng khiếp của một thanh niên giang hồ như Khá Bảnh? 

{keywords}
Những nhân vật như Khá Bảnh là "Giang Hồ Mạng", tức là những cá nhân trong cộng đồng “anh em xã hội” đã dùng phương tiện truyền thông xã hội để đưa thông tin, hình ảnh về đời sống giang hồ đến với những thành viên của cộng đồng chuẩn tắc.

Thế giới giang hồ

Để có thể hiểu hiện tượng như Khá Bảnh, trước hết ta nên phân định xã hội thành hai thế giới: (i) Thế giới chuẩn tắc, nơi hành vi của cá nhân bị quy định và chi phối bởi các giá trị & chuẩn mực phổ quát, theo hướng tích cực, cả chính thức và phi chính thức; và (ii) Thế giới giang hồ, là nơi mà các thành viên chủ yếu hành xử dựa trên các giá trị & chuẩn mực phi chính thức, tức là không được văn bản hóa thành nội dung giảng dạy trong nhà trường hay hệ thống quy phạm pháp lý.

Cũng như thế giới chuẩn tắc, thế giới giang hồ là một cấu trúc xã hội với đầy đủ các thành tố của nó: chuẩn mực hành vi, mong đợi vai trò, địa vị XH, tổ chức, niềm tin... Đây là những yếu tố giúp lý giải vì sao cá nhân của cái thế giới đó lại hành động như vậy, và dự báo họ sẽ hành động như thế nào?

Thế giới giang hồ là một cấu trúc ngầm, nhiều bí ẩn, cho nên luôn gây tò mò cho thành viên của Thế giới chuẩn tắc. Điều này được chứng minh phần nào qua sự hấp dẫn của những cuốn truyện hình sự, phim về mafia, hay báo chí về tội phạm.

Cũng bởi thế, có thể gọi những nhân vật như Khá Bảnh là "Giang Hồ Mạng", tức là những cá nhân trong cộng đồng anh em xã hội đã dùng phương tiện truyền thông xã hội để đưa thông tin, hình ảnh về đời sống giang hồ đến với những thành viên của cộng đồng chuẩn tắc.

Thu hút bằng sự lệch chuẩn

Khác với các thần tượng chuẩn tắc (ca sỹ, diễn viên, ngôi sao thể thao) vốn thu hút người theo dõi bằng tài năng, hình mẫu vai trò, hay những thành công theo hướng tuẩn thủ chuẩn mực tích cực, điểm giống nhau giữa các "Giang Hồ Mạng" và các hiện tượng “nhảm” như Lệ Rơi, Bà Tưng, hay Kenny Sang là họ đều thu hút sự chú ý của cộng đồng thông qua các hành vi lệch chuẩn. Về bản chất, hành vi lệch chuẩn là những hành vi vi phạm các chuẩn mực xã hội, đi ngược lại với sự mong đợi của số đông trong xã hội, cho nên thường bị xã hội phản ứng và lên án.

Tuy nhiên, không phải mọi hành vi lệch chuẩn đều tiêu cực và xấu xa. Chỉ những hành vi vi phạm các chuẩn mực pháp lý, có biểu hiện đe dọa hoặc xâm phạm lợi ích cộng đồng mới đòi hỏi phản ứng của chính quyền, thông qua các hành động thực thi pháp luật.

Những hành vi phản cảm, dù bị xã hội phản ứng và lên án do vi phạm các chuẩn mực xã hội hay ngược với mong đợi của cộng đồng, thì cũng chưa thể vận dụng chức năng kiểm soát xã hội của pháp luật.

Chính nhờ logic nêu trên, các "Giang Hồ Mạng" đã phát huy tối đa lợi thế của họ nhờ tư cách thành viên thế giới giang hồ vốn đa dạng và đầy bí ẩn với các thành viên thế giới chuẩn tắc. Các hành vi vốn bình thường trong thế giới giang hồ thì lại trở thành bất thường dưới cách nhìn của cộng đồng chuẩn tắc. Chính sự khác biệt này khiến các "Giang Hồ Mạng" nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng những người quan tâm.

Khác với các hiện tượng nhảm như Lệ Rơi hay Bà Tưng, hiện tượng "Giang Hồ Mạng" như Khá Bảnh sẽ có sức hút mạnh hơn, tồn tại lâu dài hơn bởi thông qua họ, thành viên của thế giới chuẩn tắc có được trải nghiệm thật (chứ ko phải phim ảnh) và được thỏa mãn nhu cầu có thật về việc tìm hiểu cuộc sống hàng ngày của giới anh em xã hội.

Thế giới giang hồ đầy bí ẩn chính là nguồn lực vô tận nuôi dưỡng các “Hot Giang Hồ Mạng”. Vấn đề chỉ là cá nhân nào biết tận dụng và phát huy được nguồn lực chung đó mà thôi.

Tại sao Khá Bảnh nổi bật?

Bên cạnh các hành vi lệch chuẩn và khả năng thỏa mãn sự tò mò về thế giới giang hồ, không thể không ghi nhận những khía cạnh hợp lý nhất định khiến các hành vi giang hồ nhận được sự ủng hộ bởi một bộ phận công chúng.

Đó là lối hành xử hào sảng, nghĩa hiệp theo kiểu” xứng tầm đàn anh”; cách phân chia lợi ích và ngôi thứ dựa theo năng lực thực sự của cá nhân và khả năng đóng góp cho cả nhóm; hay nguyên tắc “đã nói là làm”, không chấp nhận “nói một đằng làm một nẻo”…vv.

Chính những điều này tạo nên sự hấp dẫn với cộng đồng nói chung, đặc biệt là những cá nhân cảm thấy thất vọng trong các môi trường chuẩn tắc của họ (gia đình, khu dân cư, trường học, hay nơi làm việc).

Khi các yếu tố định hình cuộc chơi như nhau (tư cách thành viên giang hồ, cùng sử dụng mạng xã hội…) thì việc cá nhân này nổi bật hơn cá nhân khác phụ thuộc hoàn toàn vào những yếu tố đặc thù của mỗi cá nhân.

Chẳng hạn, so với nhiều "Giang Hồ Mạng" cùng lứa vốn có ngoại hình dữ dằn, bặm trợn, Khá Bảnh lại có hình thức thanh mảnh, trắng trẻo, dễ tạo thiện cảm hơn. Trong khi các nhân vật khác có thể ăn nói tục tĩu liên hồi thì Khá Bảnh lại rất tiết chế trong việc văng tục.

Nếu các “bộ đội già” thường ngại thể hiện hơn thì Khá Bảnh lại có cái ham muốn thể hiện và khẳng định bản thân của tuổi trẻ, cho nên tích cực hơn trong việc lên mạng đăng clips hay tương tác với những người theo dõi.

Chính những đặc trưng cá nhân này khiến Khá Bảnh đặc biệt thu hút được lứa tuổi học sinh phổ thông – điều mà các đại ca đàn anh, dù uy lực hơn nhiều nhưng có muốn cũng không thể làm được.

Vai trò của mạng xã hội

Cần khẳng định rằng mạng xã hội không sinh ra "Giang Hồ Mạng", mà chỉ giúp gia tăng khả năng tương tác của thành viên thế giới giang hồ với thế giới chuẩn tắc thông thường.

Một đặc điểm của các kênh truyền thông xã hội như Facebook, Youtube là chủ nhân của chúng không chỉ có thể chủ động thỏa mãn thị hiếu của người xem, mà còn có thể chỉ chuyển tải những thông điệp theo hướng tích cực, tốt đẹp, có lợi cho họ. Bởi vậy, chính họ là người quyết định mình có trở nên nổi bật hay không giữa cộng đồng giang hồ đông đảo.

Trước đây, khi chưa có mạng xã hội, thì thế giới giang hồ đã luôn xuất hiện những nhân vật có ảnh hưởng đặc biệt. Tuy nhiên, phạm vi ảnh hưởng của họ chỉ giới hạn trong một không gian hẹp. Chẳng hạn như Khánh Trắng, Hải Bánh cũng chỉ trong phạm vi Hà Nội; hay uy lực như Năm Cam, Dung Hà thì cũng không thể “hot” như Khá Bảnh.

Chính nhờ khả năng tương tác với số đông cho nên các cá tính giang hồ thời internet và mạng xã hội có thể nhanh chóng tạo ra những hiện tượng “kỳ dị”, như việc mới đây Khá Bảnh được đón tiếp ầm ĩ bởi đám đông học sinh phổ thông ở Yên Bái.

Có nên lo ngại?

Dù muốn hay không thì sự xuất hiện của các "Giang Hồ Mạng" cũng là hiện tượng khách quan mà cộng đồng chuẩn tắc đang phải đối diện.

Tuy nhiên, cần khẳng định là "Giang Hồ Mạng" không quá đáng lo ngại bởi họ không phải là “thần tượng” hay hình mẫu vai trò và hành vi tích cực, hấp dẫn đến mức có thể khiến những người bị ảnh hưởng phải học theo.

Trong số đám đông học sinh hò reo quanh Khá Bảnh ở Yên Bái, nếu có hỏi thì cũng sẽ rất khó tìm được những em có nguyện vọng noi gương để được như Khá Bảnh. Bởi lẽ, hình ảnh "Giang Hồ Mạng" chủ yếu thỏa mãn sự tò mò chứ không phải là một đại diện cho các giá trị tích cực phổ quát, cho nên rất khó có khả năng để họ thu hút và thay đổi hành vi của số đông người theo dõi.

Nguy cơ về ảnh hưởng tiêu cực có thể chỉ với những cá nhân đơn lẻ, bắt chước "Giang Hồ Mạng" về phục trang, kiểu tóc, hay các hình xăm cơ thể…

Không ai lại muốn giới trẻ bị ảnh hưởng và học theo những mẫu hình như Khá Bảnh. Tuy nhiên, như trên phân tích, chừng nào các "Giang Hồ Mạng" chưa thực hiện những hành vi đe dọa hay xâm phạm lợi ích cộng đồng thì chừng đó chính quyền chưa thể phản ứng bằng pháp luật.

Vai trò cảnh báo những ảnh hưởng tiêu cực tiềm năng, chẳng hạn như bắt chước về cách ăn nói tục tĩu, cách ăn mặc dị hợm, kiểu tóc nham nhở, hay thái độ đề cao đồng tiền và ăn tiêu xả láng… sẽ thuộc về các thiết chế xã hội như gia đình và nhà trường. Bố mẹ, ông bà, thầy cô giáo là những người quan trọng nhất trong việc kiểm soát những ảnh hưởng tiêu cực từ các hiện tượng "Giang Hồ Mạng".

* Bài viết có sử dụng một số thống kê từ Facebook Kien Nguyen.