Ngày 29/7, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) phối hợp cùng Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng tổ chức “Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng tại Hà Nội năm 2021”.

Một trong những nội dung được hội nghị đặt ra là lên phương án chi tiết cho việc đưa nông sản phía Nam ra miền Bắc.

Toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 5.340 ha trồng nhãn, sản lượng mỗi năm ước tính hơn 53.000 tấn. Huyện Châu Thành – địa phương trồng nhãn nhiều nhất tỉnh, đã có hơn 3.660 ha. Dự kiến từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh có 1.230 ha nhãn sẽ thu hoạch, sản lượng hơn 11.600 tấn.

{keywords}
Cá tra là một trong những nông sản Đồng Tháp cần kết nối tiêu thụ.

Cùng với nhãn, tỉnh Đồng Tháp còn có rất nhiều nông sản khác cần kết nối tiêu thụ như: Khoai lang, cá tra, lúa, xoài, chanh, ổi, quýt, mít, mận, thanh long... Ngoài ra, có 160 sản phẩm OCOP của tỉnh từ 3 sao đến 4 sao đang có nhu cầu kết nối tiêu thụ.

Tại tỉnh Sóc Trăng, diện tích trồng nhãn toàn tỉnh 3.130 ha, đang cho trái 2.536 ha. Thời gian thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 12 với sản lượng khoảng 24.400 tấn.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã thông tin về sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP và mong muốn được liên kết hợp tác với các đơn vị trên địa bàn toàn quốc nhằm tìm kiếm đầu ra, phân phối sản phẩm.

Hiện, Hà Nội đã có kịch bản chi tiết cho từng sản phẩm, từng cung đường để vận chuyển tiêu thụ và các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng có thể nghiên cứu mô hình này. Từ đó, đưa ra những kiến nghị với Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xử lý các vấn đề vướng mắc.

Tại hội nghị cũng đã diễn ra lễ ký kết trực tuyến 4 hợp đồng giữa các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản của các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng với chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội.

Phùng Thủy