Đẩy mạnh tuyên truyền

Từ cuối tháng 4/2021 đến nay, một số dịch bệnh nguy hiểm như: lở mồm long móng, bệnh dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục đã xuất hiện ở nhiều tỉnh thành, trong đó có huyện Văn Lãng (Lạng Sơn).

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Văn Lãng, có 4.810 con trâu; 1.015 con bò; 8.558 con lợn. Để phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, cơ quan chức năng triển khai các biện pháp như: tiêm phòng dịch bệnh, phun tiêu độc khử trùng…

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Văn Lãng cho biết, tính đến ngày 24/6/2021, trên địa bàn huyện đã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục với 92 con bò của 32 hộ trên địa bàn 9 xã bị mắc. Cùng thời điểm, 1.112 con lợn tại 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngoài ra, trên địa bàn huyện xuất hiện 2 ổ bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu với 64 con mắc tại 2 xã: Thanh Long, Thụy Hùng.

Trước tình hình đó, ngành chức năng và người dân khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Ông Nông Hồng Bộ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Văn Lãng cho biết: Khi xuất hiện những ổ bệnh trên đàn vật nuôi, trung tâm đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn, chính quyền các xã, thị trấn huy động phương tiện, vật tư, nhân lực để tổ chức khoanh vùng, điều trị trâu, bò bị mắc bệnh và tiêu hủy toàn bộ số lợn bị mắc bệnh; tổ chức đồng bộ các biện pháp ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Sau khi ngành chức năng dốc toàn lực khống chế dịch, bước đầu các ổ bệnh trên gia súc đã được khống chế, không lây lan ra diện rộng. Theo đó, 64 con trâu bị mắc bệnh lở mồm long móng đã được chữa khỏi; số trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục cũng đã có 82 con khỏi triệu chứng; số lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được cơ quan chuyên môn tổ chức tiêu hủy toàn bộ.

Bên cạnh các giải pháp nhằm khống chế dịch bệnh, cơ quan chuyên môn đã chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc của bà con.

Tránh lây nhiễm chéo

Gia đình ông Nông Văn Vẻn (xã Tân Mỹ) nuôi 10 con bò. Ngay khi địa phương thông tin xuất hiện các ổ dịch, ông chủ động rắc vôi bột, phun thuốc sát khuẩn chuồng trại, tiêm vắc-xin cho gia súc. Trước đây ông hay thả gia súc ra tự nhiên nhưng nay ông chủ yếu nuôi nhốt để tránh lây nhiễm chéo từ các con bò khác.

Ông Đinh Long Xuyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Văn Lãng cho biết: “Chúng tôi tiếp tục tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển gia súc ra, vào huyện nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan và ngăn chặn dịch từ nơi khác đến, đồng thời, xử lý dứt điểm các ổ dịch bệnh để không lây lan trên diện rộng. Đến nay, cơ bản các ổ dịch đã được khống chế”.

Hiện nay, Phòng NN&PTNT huyện Văn Lãng tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tổng vệ sinh phun tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi.

Cơ quan chuyên môn đã cấp 900 lít thuốc sát trùng cho các xã, thị trấn để phun khử trùng cho tất cả các hộ chăn nuôi trên địa bàn nhằm phòng, ngừa dịch bệnh, tạo điều kiện để chăn nuôi trên địa bàn huyện phát triển bền vững.

Tính đến nay, cơ quan chuyên môn huyện đã tiêm phòng bệnh cho 3.654 con trâu, bò;  1.822 con lợn.

Thời gian tới, tình hình dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nên huyện Văn Lãng và các hộ chăn nuôi chuẩn bị sẵn tâm thế ứng phó. Đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế, kiên quyết không để dịch bệnh gia súc quay lại.

Đặc biệt, thời điểm sang mùa thu – đông, thời tiết giao mùa dễ phát sinh vi khuẩn có hại, công tác này càng được đẩy mạnh.

Minh Phúc