Trấn Yên là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và khu vực Tây Bắc. Huyện có 6 xã và 46 thôn, bản đặc biệt khó khăn (5 thôn có 100% đồng bào Mông sinh sống). Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Trấn Yên cũng như các địa phương khác trong tỉnh đều có xuất phát điểm thấp, bình quân mỗi xã chỉ đạt từ 4-5 tiêu chí nông thôn mới, ở những xã đặc biệt khó khăn chỉ đạt 1-2 tiêu chí. Tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 30%), thu nhập bình quân thấp (dưới 10 triệu đồng/người/năm); sản xuất, kinh tế phát triến nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu mang tính tự cung tự cấp.

{keywords}
Trấn Yên là huyện nông thôn mới đầu tiên của Yên Bái và vùng Tây Bắc

Ngay từ năm đầu hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Trấn Yên đã xác định rõ, đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, do “dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, người dân là chủ thể và là đối tượng trực tiếp thụ hưởng; xây dựng nông thôn mới là hướng tới mục tiêu “nông nghiệp phát triển, nông thôn văn minh và nông dân hạnh phúc”; chỉ khi có sự đồng thuận, tích cực tham gia của người dân thì xây dựng nông thôn mới mới thành công và bền vững.

Từ đó, đã có hàng ngàn hộ dân hiến trên 54.000 m2 đất để xây dựng các công trình hạ tầng ở khu vực nông thôn. Nhân dân ở tất cả các xã đã tích cực đóng góp tiền, vật liệu, ngày công cho xây dựng nông thôn mới với giá trị trên 700 tỷ đồng, chiếm trên 10% tổng nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân huyện Trấn Yên đã có sự đổi thay rõ rệt. Đến nay, trên địa bàn huyện, 100% các tuyến đường từ huyện đến xã, đường liên xã, liên thôn, đường từ xã xuống thôn được kiên cố hóa; 80% tuyến đường ngõ xóm được cứng hóa. Hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới tiêu cho toàn bộ diện tích sản xuất và phòng chống thiên tai; 100% thôn, bản có điện lưới quốc gia. Hệ thống chợ nông thôn được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân.

Huyện Trấn Yên đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có liên kết theo chuỗi giá trị như vùng trồng tre Bát Độ gần 3.500 ha, sản lượng trên 50.000 tấn/năm; vùng trồng dâu, nuôi tằm 700 ha, sản lượng kén 650 tấn, tăng gấp 7 lần so với năm 2011; vùng quế đạt trên 16.000 ha, trong đó vùng quế hữu cơ 6.000 ha; vùng trồng cây ăn quả có múi 750 ha; vùng chăn nuôi hàng hóa với gần 600 cơ sở, trong đó có nhiều cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô từ từ 10.000-40.000 con/lứa. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt trên 35 triệu đồng/năm (tăng gấp 3,5 lần so với năm 2011). Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,75% (giảm hơn 5.000 hộ so với năm 2011). Toàn huyện không còn hộ ở nhà tạm, nhà dột nát.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng điểm lại một số nét chính về kết quả xây dựng nông thôn mới trong cả nước thời gian qua, với 54,7% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt mức trước 2 năm so với Nghị quyết của Đảng và Quốc hội giao. Chúng ta đã có 113 số huyện trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới. Vì thế, bộ mặt nông thôn của nước ta khang trang, xanh sạch đẹp, giàu có hơn. Sản xuất nông nghiệp được tái cơ cấu mạnh mẽ, tiếp tục phát triển nhiều mô hình liên kết sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Số hộ nghèo trong cả nước giảm nhanh.

Diệu Bình
Ảnh: Quyết Thắng