Đại dịch bệnh COVID-19 có nguy cơ phá hủy kinh tế toàn cầu, nhưng cũng là cơ hội để các nước có tiềm năng dân số như Việt Nam “biến nguy thành cơ” và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), chuyển đổi sang nền kinh tế số và gia tăng giá trị trên chuỗi cung ứng toàn cầu. 

{keywords}
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để kích thích tổng cầu phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Để đạt được các mục tiêu dự kiến đặt ra và khát vọng phát triển đất nước trong thập kỷ tới, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2025 cần được đẩy nhanh hơn và thực sự bứt phá. Theo đó, muốn trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, tốc độ tăng năng suất lao động ít nhất phải đạt 6,5% hàng năm, cao hơn so với kết quả đạt được giai đoạn 2016-2020 là 5,8%. Mặt khác, trong tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trên thế giới đã xuất hiện các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số và sự thay đổi đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng…Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam.

Nhằm tiếp tục phát triển mạnh mẽ kinh tế Việt Nam, hiện nay Chính phủ xác định: Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để kích thích tổng cầu phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó, tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực công đi đôi với phát triển đồng bộ các yếu tố, các loại thị trường. Khuyến khích đổi mới sáng tạo, tận dụng khai thác cơ hội của công nghệ số. Xác định rõ ràng hơn các trọng tâm, trọng điểm cơ cấu lại nền kinh tế theo ngành, vùng, nhóm địa phương để tận dụng được lợi thế và tập trung nguồn lực, tạo đột phá ở một số lĩnh vực có tiềm năng. Khắc phục sự thiếu kết nối, thiếu bổ sung hợp lý giữa các thành phần, các địa bàn kinh tế; tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và chủ động dần nâng cấp vị trí trong chuỗi giá trị. Nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, tăng cường nội lực, khả năng chống chịu với những cú sốc bên ngoài...

Văn Giáp