Rừng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sinh kế của người dân, có thể khẳng định cuộc sống của cộng đồng cư dân không thể thiếu đất và rừng. Bảo vệ rừng, phát triển rừng gắn với phát triển sinh kế của người dân cụ thể là các cộng đồng dân tộc thiểu số vào tiến trình quản lý rừng là hết sức cần thiết.

Trong đó giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn sẽ mang lại nhiều lợi ích như bảo vệ được vốn rừng hiện có, tạo điều kiện cho đầu tư phát triển rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ trên diện tích được giao, gắn trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng với cộng đồng dân cư thôn, hạn chế phát rừng làm nương rẫy, nâng cao đời sống của người dân được giao đất, giao rừng, góp phần xóa đói nghèo ở vùng cao.

{keywords}
Rừng giao cho cộng đồng làng Rơ Ngao, Đăk Wơk, Đăk Do, Cơ Tu xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy.

Toàn tỉnh Kontum có trên 780.000ha đất rừng; trong đó, diện tích có rừng 609.468ha (547.803 ha rừng tự nhiên, 61.664 ha rừng trồng), diện tích chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp 171.684 ha. Độ che phủ rừng chiếm 63%.                                                                   

Đến nay, tỉnh đã thực hiện giao đất, giao rừng được gần 80.000ha (huyện Sa Thầy 11.723,1 ha, huyện Đăk Glei 5.737,1 ha, huyện Ngọc Hồi  7.236,3ha, huyện Đăk Hà 10.514,4 ha, huyện Đăk Tô 723,11 ha, huyện Tu Mơ Rông 11.636,3 ha, huyện Kon Plông 18.101,2 ha, huyện Kon Rẫy 12.850,5 ha, thành phố Kon Tum 1.264 ha) cho 57 cộng đồng 10.162,63 ha và 5.798 hộ gia đình, cá nhân 69.713,4ha.

Ngoài nhận giao khoán bảo vệ rừng, một số hộ gia đình đã kết hợp khoanh nuôi phục hồi rừng, trồng bổ sung cây lâm nghiệp trên diện tích được giao để thu lợi từ rừng, tăng thu nhập.

Với đặc điểm diện tích rừng lớn có giá trị nhiều mặt về kinh tế, phòng hộ đầu nguồn, bảo tồn đa dạng sinh học cao, đây là tiềm năng to lớn, thế mạnh để khai thác, sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương một cách bền vững. Tuy nhiên, diện tích rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên phân bố rộng, địa hình chia cắt phức tạp, thường xuyên bị các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng, gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; sự tham gia tích cực của các ngành, các cấp, đặc biệt là người dân nhận giao khoán bảo vệ rừng nên công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong năm 2020 đã đạt được những kết quả quan trọng.

Cùng với công tác giao đất giao rừng, việc thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và chương trình mục tiêu lâm nghiệp bền vững đã tác động tích cực đến ý thức của người dân đối với công tác quản lý bảo vệ rừng. Từ việc được giao đất giao rừng có đem lại nguồn thu nhập nên người dân, cộng đồng sống gần rừng đã rất quan tâm đến công tác quản lý bảo vệ rừng; thường xuyên thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi xâm hại đến tài nguyên rừng trên diện tích được giao.

Một số hộ gia đình đã thực hiện nhiều hoạt động tích cực như tự khoanh nuôi phục hồi rừng, trồng bổ sung cây lâm nghiệp... trên diện tích được giao. Công tác giao đất, giao rừng gắn với việc thực hiện các chính sách hưởng lợi đã góp phần giúp người dân sống gần rừng cải thiện sinh kế, đồng thời đã đẩy mạnh việc xã hội hoá nghề rừng, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Sở Nông nghiệp và PTNT đã thường xuyên chỉ đạo, quán triệt các đơn vị có trực thuộc liên quan tăng cường công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng.

Công tác phối hợp trong quản lý bảo vệ rừng đã tạo nên sự đồng bộ, thông suốt và có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt các lực lượng khác cùng tham gia với lực lượng Kiểm lâm trong phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Qua đó đã nâng cao tính chủ động trong công tác QLBVR, tăng cường năng lực lãnh đạo, điều hành xử lý các tình huống vi phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp xảy ra tại địa phương.

Công tác kiểm tra, thanh tra thường xuyên được quan tâm, trong năm qua đã chỉ đạo thực hiện 29 đợt kiểm tra các nội dung liên quan đến các hoạt động Lâm nghiệp. Qua kiểm tra đã kịp thời nhắc nhở và yêu cầu các đơn vị, địa phương nghiêm túc, khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong thực hiện nhiệm vụ QLBVR. Việc tổ chức thực hiện các hoạt động xử lý, xử phạt vi phạm vi phạm pháp luật Lâm nghiệp được thực hiện kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định. Số vụ vi phạm phát hiện 11 tháng đầu năm 2020 là 334 vụ; khối lượng vi phạm 1.123,1m3 gỗ; diện tích thiệt hại 44,02 ha. So với cùng kỳ năm 2019, giảm 68 vụ (17%); khối lượng vi phạm giảm 2.037,24 m3 gỗ (64%).

Có được kết quả này là do các ngành, địa phương đã cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của các cấp có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương và tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Ngoài ra, các ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ và đồng bộ trong thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, đảm bảo đúng chức năng, phạm vi nhiệm vụ, thẩm quyền. Coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân tham gia tố giác các hành vi vi phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp giúp cho công tác phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ vi phạm nhanh chóng, kịp thời. Việc thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin, khoanh vùng và tập trung lực lượng xử lý đã góp phần hạn chế số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại tài nguyên rừng.

Công tác xử lý các vụ vi phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp phải tuân thủ đúng quy định của phápluật hiện hành; các vụ án trong lĩnh vực Lâm nghiệp phải được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, công khai để nâng cao tính răn đe giáo dục pháp luật trong cộng đồng và giảm thiểu được tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Ông Nguyễn Tấn Liêm - Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, trong năm 2021,  ngành NN&PTNT tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; tham mưu, triển khai kịp thời, đồng bộ có hiệu quả các chủ trương, chính sách và văn bản chỉ đạo liên quan đến lĩnh vực Lâm nghiệp. Thường xuyên rà soát những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung phù hợp thực tế.

Thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về công tác quản lý bảo vệ rừng. Khuyến khích phong trào toàn dân tham gia quản lý bảo vệ rừng và tố giác các hành vi vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng. Phát hiện nêu gương, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh giao rừng, cho thuê rừng đối với các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, đảm bảo rừng có chủ thực sự. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ vi phạm, không để tồn đọng, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật đồng thời nâng cao tính răn đe trong cộng đồng.

Diệu Bình