Mô hình liên kết nuôi gà sinh học được UBND tỉnh Bắc Giang ứng dụng tại huyện Yên Thế, Tân Yên, Hiệp Hòa mở ra hướng chăn nuôi mang tính bền vững. Kế hoạch hỗ trợ chuỗi liên kết chăn nuôi gà an toàn sinh học với 16 hộ tham gia, gồm 7 hộ ở huyện Yên Thế, 6 hộ ở Tân Yên, 3 hộ ở Hiệp Hòa.

Quy mô liên kết là 22,8 nghìn con gà thả vườn/năm; đồng thời giao Công ty TNHH Hải Thịnh chủ trì liên kết, thời gian thực hiện từ năm 2020 đến 2022. Hình thức liên kết: Cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ… được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt vào tháng 6/2020.

Gần 1 năm đi vào hoạt động, mô hình này đã chứng minh được tính ưu việt của nó.

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Theo nội dung phê duyệt, năm đầu các hộ được hỗ trợ 50% chi phí mua giống; 40% thức ăn chăn nuôi; 40% chi phí vắc-xin phòng dịch; 40% chế phẩm sinh học và 50% chi phí in mẫu mã bao bì sản phẩm.

Năm thứ 2 và 3, các bên tự bỏ kinh phí thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt.

Tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng, trong đó 980 triệu đồng từ ngân sách, còn lại do các bên tham gia liên kết đối ứng. Các hộ tham gia phải thực hiện quy trình chăn nuôi theo yêu cầu của đơn vị được giao chủ trì chuỗi liên kết, bảo đảm số lượng, chất lượng trước khi xuất chuồng.

Ông Giáp Quang Trung ở thôn Tân Vân (An Thượng, Yên Thế) có kinh nghiệm nuôi gà thịt đã 20 năm, tổng đàn khoảng 4 nghìn con/năm, tương đương 10 tấn gà.

Tuy nhiên, ông khẳng định cách chăn nuôi trước đây rất bấp bênh, không ổn định, kinh tế kém phát triển. Khi gà được giá các hộ ồ ạt vào đàn. Đến khi giá thấp, nhiều hộ bỏ nuôi hoặc tái đàn dè chừng.Kết quả là cung – cầu mất cân bằng khiến giá bán và thu nhập bấp bênh.

Từ ngày tham gia vào chuỗi liên kết theo kế hoạch của tỉnh đề ra, ông thấy việc chăn nuôi bớt vất vả hơn, không phải lo lắng quá nhiều vào đầu ra, thu nhập ổn định hơn trước. 

"Chăn nuôi theo chuỗi liên kết giúp bình ổn thị trường cung - cầu, chất lượng thịt gà ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn với sức khỏe con người", ông nói. 

Ông được đơn vị chủ trì liên kết ứng con giống, thức ăn, vaccine và kỹ thuật nuôi… Khi nào đến kỳ bán mới phải thanh toán. Nhờ vậy, ông không phải lo lắng về vốn. Đặc biệt, công ty cam kết thu mua với mức giá ổn định 57 nghìn đồng/kg. Với 1,5 nghìn con gà nuôi liên kết, ông thu lãi gần 45 triệu đồng.

Ông Lê Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hải Thịnh – đại diện đơn vị chủ trì liên kết cho biết, mỗi năm doanh nghiệp cung ứng ra thị trường khoảng 20 vạn con gà thịt.

Để có nguồn ổn định, hạn chế rủi ro khi dịch bệnh xảy ra, ngoài các nhà máy chăn nuôi tập trung của Công ty, doanh nghiệp chọn thêm giải pháp liên kết với nhiều hộ chăn nuôi trong và ngoài tỉnh.

Là đơn vị sản xuất khép kín từ khâu giống, thức ăn chăn nuôi đến thu mua, giết mổ nên việc liên kết giúp Công ty duy trì ổn định đầu ra gà giống, thức ăn và thu mua gà thịt đầu vào.

Ngay từ đầu năm, Công ty ký hợp đồng với các siêu thị trong nước với giá ổn định (chỉ thay đổi khi các bên đã cùng nhau bàn bạc, thống nhất).

Việc được UBND tỉnh giao chủ trì liên kết chăn nuôi gà an toàn sinh học giúp doanh nghiệp vững tin vào chiến lược phát triển trong thời gian tới. Dự kiến năm nay, công ty sẽ tăng sản lượng gà chăn nuôi liên kết lên 8 vạn con, để đảm bảo đầu ra cho các hộ trong liên kết.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lê Văn Dương cho biết, căn cứ quy định hiện hành về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, thông qua các chuỗi liên kết giúp các doanh nghiệp, HTX, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tỉnh biết gắn kết, cùng nhau xây dựng và phát triển bền vững các chuỗi giá trị sản phẩm; nâng cao thu nhập và lợi ích của các bên tham gia.

Đồng thời củng cố, phát triển các tổ chức nông dân, HTX, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Mô hình này đang được khuyến cáo nhân rộng.

Ngoài ra, để hỗ trợ cho bà con và doanh nghiệp chăn nuôi trong tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng xây dựng 3 chuỗi liên kết chăn nuôi an toàn sinh học, gồm 1 chuỗi chăn nuôi dê; 1 chuỗi chăn nuôi lợn và 1 chuỗi chăn nuôi vịt. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng, còn lại các bên tham gia liên kết đối ứng. Thời gian thực hiện từ nay đến năm 2023.

Quang Sơn