Chiến lược vaccine

Khống chế thành công dịch bệnh COVID-19 hơn 1 năm qua nhưng Việt Nam có thể mất đi lợi thế trong mở cửa nền kinh tế nếu không có đủ vaccine tiêm cho người dân đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng (khoảng 70%). Để cuộc chiến chống dịch được hiệu quả, việc bao phủ tiêm chủng vaccine cho toàn dân là cực kỳ quan trọng. Vaccine là biện pháp quan trọng nhất để đẩy lùi dịch COVID-19, bên cạnh giải pháp 5K (đeo khẩu trang, thực hiện khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tập trung đông người, khai báo y tế) là vaccine, nhưng 5K chưa đủ, phải có vaccine thì mới có thể hy vọng trở lại trạng thái bình thường.

Có thể nói, chiến lược vaccine là một trong những giải pháp tiếp sức việc triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ đạt được kết quả tốt nhất.

Nghị quyết phiên họp Chính phủ đầu tiên sau kiện toàn, được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành ngày 16/4 đã nêu rõ: Trước mắt do nguồn cung vaccine còn khan hiếm trên quy mô toàn cầu, Bộ Y tế cần khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ nhằm có vaccine sớm nhất; đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách, hướng dẫn để các doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu, tiêm vaccine dịch vụ; tổ chức tiêm vaccine khẩn trương, an toàn tuyệt đối, dứt khoát không để tình trạng vaccine không được tiêm kịp thời, phải hủy bỏ. Giao Bộ Y tế khẩn trương hoàn chỉnh phương án và nghiên cứu triển khai cơ chế “hộ chiếu vaccine” đối với từng loại đối tượng, từng nước, góp phần thực hiện mục tiêu kép; đồng thời, có phương án cụ thể tạo điều kiện thuận lợi nhất để hoàn thành thử nghiệm và sản xuất vaccine trong nước.

Liên tiếp trong các cuộc họp về phòng, chống dịch gần 1 tháng qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải thần tốc hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trên “mặt trận vaccine”. Đây là một hướng tấn công có ý nghĩa then chốt trong cuộc chiến chống dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và phát triển kinh tế của đất nước. 

Hỗ trợ nghiên cứu 

Tại buổi làm việc với Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học sức khỏe, các y bác sĩ trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong y tế từ chẩn đoán, điều trị, sản xuất vaccine, thuốc, dược liệu; đặc biệt là trong chẩn đoán và điều trị, về cơ bản đã tiếp cận, làm chủ và triển khai đạt kết quả tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới…

Để phát huy được hết khả năng, tiềm năng của khoa học trong lĩnh vực y tế, khắc phục được những khó khăn, bất cập về cơ chế chính sách, Chính phủ cho rằng, cần có nhiều giải pháp đột phá, dài hạn. Theo đó, cần phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực khoa học sức khỏe.

Phó Thủ tướng thống nhất chủ trương tăng cường, thúc đẩy liên doanh hợp tác trong đầu tư xây dựng, phát triển các trung tâm nghiên cứu, trung tâm thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng theo chuẩn quốc tế.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo các trường đại học, viện nghiên cứu, bệnh viện xây dựng đề án thí điểm thành lập, kiện toàn các đơn vị phù hợp với chức năng, định hướng phát triển, bảo đảm hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy triển khai, tăng cường ứng dụng khoa học tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), các hệ chuyên gia trong công tác dự phòng, chẩn đoán, điều trị và y tế công cộng.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tạo điều kiện tối đa về cơ chế, chính sách, ưu đãi của pháp luật về đầu tư, đầu tư công đối với các dự án nghiên cứu, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ tiên tiến trong ngành y tế, đặc biệt là công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19.

{keywords}
Hỗ trợ tối đa các dự án nghiên cứu phát triển vắc xin 

Về việc ngân sách Nhà nước hỗ trợ đối với các nhiệm vụ, dự án nghiên cứu phát triển vaccine phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế chủ động đề xuất các nhiệm vụ với Bộ Khoa học và Công nghệ để đặt hàng và ưu tiên kinh phí hỗ trợ ở mức cao nhất theo quy định. Đối với các dự án nghiên cứu phát triển vaccine phòng chống đại dịch, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, sửa đổi quy định liên quan theo hướng có thể hỗ trợ ở mức tối đa đến 100% tổng mức kinh phí đầu tư.

Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành tích cực vận động, huy động các nguồn tài chính hợp pháp, huy động xã hội hóa lĩnh vực khoa học công nghệ nói chung và khoa học công nghệ trong ngành y tế nói riêng.

Phấn đấu có vắc xin Covid-19 trong nước

Tại cuộc họp trực tuyến của Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vắc xin phòng Covid-19, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã mời chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ Việt Nam về nghiên cứu, sản xuất vaccine, để Việt Nam nhanh chóng sản xuất được vaccine trong nước, bảo đảm tự chủ về vaccine cho nhu cầu của nhân dân.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, Tổ công tác đặc biệt sẽ hỗ trợ tối đa cho các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước, với phương châm chủ động tối đa, linh hoạt, các đơn vị cần đến đâu, chuyên gia của Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ đến đó.

Thứ trưởng cũng giao các vụ, cục chức năng liên quan của Bộ Y tế hỗ trợ tối đa cho các đơn vị nghiên cứu, sản xuất và nhập khẩu, cấp phép vắc xin phòng Covid-19 trong trường hợp khẩn cấp.

Bộ Y tế cũng sẽ sớm trình Chính phủ kế hoạch sử dụng nguồn ngân sách từ Quỹ vắc xin phòng Covid-19 hỗ trợ triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

“Chúng ta ứng xử với công tác nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng Covid-19 trong nước với tinh thần khoa học, linh hoạt. Phấn đấu sớm nhất trong năm 2021, có 1 nhà sản xuất vắc xin trong nước sản xuất thành công vắc xin phòng Covid-19”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn vắc xin nhập khẩu và thúc đẩy sản xuất trong nước. Đến nay, dự kiến sẽ có khoảng 124 triệu liều từ các nguồn khác nhau được cam kết cung ứng cho Việt Nam cho tới cuối năm 2021. Trên thực tế, do nguồn cung vắc xin khan hiếm trên toàn thế giới, nên lượng vắc xin tiếp nhận tại Việt Nam đến thời điểm hiện nay là 8.998.750 liều.

Tính đến sáng 19/7, tổng cộng đã thực hiện tiêm chủng được 4.283.906 liều vắc xin(chiếm 4,4% dân số Việt Nam). Trong đó, số người được tiêm 1 mũi là 3.977.431 người (chiếm 4,1% dân số) và số người đã tiêm đủ 2 mũi là 306.475 người (chiếm 0,3% dân số). Như vậy, còn khoảng 4.714.844 liều vắc xin đã tiếp nhận nhưng chưa được tiêm chủng cho người dân.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bài và ảnh: Thu Thủy