Sau đợt dịch Covid-19 thứ hai bùng phát, cộng đồng doanh nghiệp đã khó thì nay càng gặp khó khăn hơn. Đến tháng 11 vừa qua, nước ta có trên 15.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, 44.000 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và rời khỏi thị trường, tăng đến 60% so với cùng kỳ. Trung bình mỗi tháng, có trên 5.000 doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường. Đây là con số cao kỷ lục từ trước tới nay, kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến công ăn việc làm, thu nhập của người lao động.

Bên cạnh việc chống dịch COVID-19 hiệu quả, để hỗ trợ và đồng hành cùng DN trong giai đoạn này Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các DN khắc phục khó khăn và khôi phục hoạt động.

{keywords}
Ảnh minh họa

Cụ thể như gói cơ bản: Gói hỗ trợ 250.000 tỷ đồng về hỗ trợ tín dụng; 62.000 tỷ đồng về an sinh xã hội, 16.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động…

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá cao các chính sách hỗ trợ của Chính phủ hỗ trợ DN chịu tác động từ COVID-19. Ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch COVID-19. Các bộ ngành, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc và ban hành khoảng 95 văn bản về các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của DN.

Các chính sách đã được ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ, thể hiện ở các gói hỗ trợ lớn. Đó là, chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng với quy mô 250 nghìn tỷ đồng; chính sách tài khóa, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với quy mô 180 nghìn tỷ đồng và chính sách hỗ trợ DN trả lương cho người lao động 16 nghìn tỷ đồng; gói chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội.

“Việc ban hành các chính sách trên đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng DN Việt Nam. Một thông điệp vô cùng tích cực về sự đồng hành từ Chính phủ đã được lan tỏa tới cộng đồng kinh doanh”, TS Vũ Tiến Lộc nhận định.

Đánh giá chủ trương là đúng đắn thể hiện sự quyết tâm lớn của Chính phủ, song, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của DN chưa được như kỳ vọng. Cụ thể, đến ngày 27/11 mới có 75 DN vay được từ gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng này để trả lương cho 3.851 lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch. 

Đến tháng 10/2020, số tiền hỗ trợ từ chính sách giãn, giảm thuế, tiền thuê đất chưa đến 100.000 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu phát sinh ở chính sách giãn nộp như tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với ô tô trong nước chiếm 76.100 tỷ đồng; còn chính sách miễn, giảm các loại thuế phí chỉ dừng ở mức 10.000 tỷ đồng.

Dưới góc độ đối tác quốc tế, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh, Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các chính sách và khuyến khích để thúc đẩy các DN vừa và nhỏ như một động lực trong việc xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ và chống chịu hơn.

Hầu hết DN Việt Nam phải cắt giảm hoạt động kinh doanh và giảm số lượng công nhân do sự sụt giảm nghiêm trọng về nhu cầu đầu ra và gián đoạn nguồn cung. Ngoài ra, các thành phần kinh tế khác như các hợp tác xã cũng đã phải đối mặt với những tác động do dịch, nhưng chưa được quan tâm hỗ trợ đúng mức hỗ trợ chính của quốc gia.

UNDP cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, việc các DN phát triển thương mại điện tử hay chuyển đổi số là một hướng đi tốt. UNDP cũng đang hỗ trợ các DN nhỏ, hợp tác xã ở một số địa phương phát triển các mô hình thương mại điện tử…

Đại diện một trong những Hiệp hội ngành hàng bị ảnh hưởng lớn do dịch COVID-19, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, trong 11 tháng ngành du lịch đã bị sụt giảm đến 80% khách quốc tế, mất khoảng 1/2 khách nội địa.

Chỉ thị 11 của Chính phủ là rất đúng đắn kịp thời nhưng các cấp triển khai còn hạn chế. Ví dụ như hỗ trợ cho người lao động mất việc đến nay mới có khoảng 20 hướng dẫn viên được hỗ trợ. Số DN tiếp cận và được hỗ trợ đếm trên đầu ngón tay.

“Chính sách tốt nhưng chính những rào cản, thủ tục phức tạp khi triển khai làm giảm hiệu quả hỗ trợ. Khi chính sách không đi vào thực tế hiệu quả cần phải thẳn thắn nhìn nhận các khâu để điều chỉnh, cần nói rõ ràng, không nên để DN mòn mỏi”, ông Vũ Thế Bình thẳng thắn chia sẻ.

Lãnh đạo VCCI mong muốn thường xuyên đối thoại, trao đổi giữa các bên, góp phần tìm ra được tiếng nói chung giữa đại diện của các cơ quan nhà nước và cộng đồng DN trong thúc đẩy hiệu quả thực thi chính sách.

Qua đó, cải thiện các chính sách hỗ trợ DN ảnh hưởng từ dịch COVID-19, có quy trình chuẩn, kinh nghiệm tốt có tính ứng dụng cao ở diện rộng hơn đối với các chính sách hỗ trợ nói chung.

"Thủ tục cần đơn giản hơn, phân loại đối tượng cần trúng hơn; cơ chế nâng cao năng lực tiếp cận các chính sách này cho các DN trong thời gian tới sẽ nên như thế nào… Làm sao để những chính sách tốt đẹp đã ban hành đi nhanh được vào thực tiễn nhất”, ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ.

Hoài Bắc - Tuệ Minh