Theo số liệu của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho hay, nguồn vốn tín dụng chính sách trong thời gian qua đã hỗ trợ tích cực cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. 

Giai đoạn 2015-2020 đã có trên 25 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu giảm nghèo của địa phương.
Tỷ lệ hộ nghèo tại Quảng Ninh đã giảm từ 4,56% năm 2015, dự kiến năm 2020 chỉ còn 0,4%. Trung bình trong giai đoạn 2015-2020, tỷ lệ hộ nghèo tại Quảng Ninh giảm ước đạt 0,83%/năm (cao hơn mức 0,7% đã đề ra).

{keywords}
Hộ mới thoát nghèo làm thủ tục nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã.

Cùng với tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, ý thức vươn lên thoát nghèo được nhân rộng, qua đó nhiều địa phương đã có nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo viết đơn tự nguyện xin ra khỏi diện nghèo. Đến nay, Quảng Ninh đã có 478 hộ gia đình tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Tại Quảng Ninh, thông qua việc thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40), quy mô các chương trình tín dụng chính sách ngày càng được mở rộng.

Ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh khẳng định, với 18 chương trình tín dụng chính sách đang triển khai, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến được với người dân tại 186 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, không có thôn bản trắng tín dụng chính sách.

Các chương trình chính sách đã tạo điều kiện cho người nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận với vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi và kịp thời.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã bố trí 312 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương để ủy thác cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh triển khai cho vay, tăng 275,8 tỷ đồng (gấp 8,6 lần) so với trước khi triển khai Chỉ thị 40.

Trong 5 năm qua, với nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Quảng Ninh đã giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách cho trên 182,6 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với số tiền trên 6 nghìn tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng khẳng định, nguồn vốn tín dụng chính sách cùng với các nguồn lực khác của tỉnh đã góp phần đưa 17 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn...

Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 40, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Chính phủ và các bộ ngành cho phép tiếp tục thực hiện Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo sau khi hết thời hạn quy định (sau 31/12/2020); đồng thời kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 5 năm.

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị nâng thời hạn cho vay tối đa của chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo lên 10 năm để phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của các loại cây trồng, vật nuôi có thời gian sinh trưởng dài.

Hải Đông