Hậu Giang từng là trung tâm nông sản, lúa gạo sầm uất nhất 

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, ông Phạm Minh Chính cho rằng Hậu Giang là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều di tích lịch sử hào hùng gắn liền với phong trào đấu tranh kiên cường, bất khuất.

Trong hòa bình, mảnh đất Hậu Giang lại hiền hòa với sông rạch bao quanh, với những mùa phù sa màu mỡ vun đắp cho hoa màu, cây trái. Từ cách đây hơn 100 năm công trình thủy nông lớn nhất Nam Kỳ thời đó là kênh xáng Xà No đã đưa Hậu Giang trở thành trung tâm nông sản, lúa gạo sầm uất nhất của miền Tây Nam Bộ.

{keywords}
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, ông Phạm Minh Chính cho rằng Hậu Giang là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều di tích lịch sử hào hùng gắn liền với phong trào đấu tranh kiên cường, bất khuất.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương bày tỏ sự phấn khởi khi thấy Hậu Giang hoàn thành và vượt 16/18 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII. Trong đó, nổi bật là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được nâng lên.

Thay mặt Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhất trí và đánh giá cao báo cáo chính trị, ghi nhận những thành tích của Đảng bộ tỉnh Hậu Giang. Ngoài việc chỉ ra một số hạn chế cần được khắc phục, Trưởng ban Tổ chức Trung ương gợi ý cho Hậu Giang một số vấn đề như giữ vững sự đoàn kết, dân chủ, thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, coi đó là nhân tố quyết định cho mọi thắng lợi.

Dẫn lời bài thơ Bà má Hậu Giang của Tố Hữu, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: "Tôi tin tưởng rằng với truyền thống, văn hóa, cốt cách tốt đẹp của vùng đất và con người 'gan dạ anh hùng, như rừng đước mạnh, như rừng tràm thơm', Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà nhất định sẽ đoàn kết một lòng, có khát vọng vươn lên vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội đề ra, sớm đưa Hậu Giang phát triển vượt bậc trong thời gian tới, để cuộc sống của người dân được ấm no, hạnh phúc hơn".

Xác định 3 nhiệm vụ đột phá quan trọng

Theo báo cáo tại đại hội, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã không ngừng phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực thực hiện đạt những kết quả tích cực, đặc biệt nhiều nội dung trong 3 nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ đạt kết quả nổi bật, hầu hết các chỉ tiêu đạt và vượt, hoàn thành mục tiêu nghị quyết.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh đạt 6,3%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 49,96 triệu đồng (bằng 95,6% của bình quân vùng ĐBSCL và 76,1% cả nước), đạt 90,8% chỉ tiêu nghị quyết…

Một trong những mục tiêu của Hậu Giang nhiệm kỳ 2020-2025 là huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển, ưu tiên công nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5-7%/năm; GRDP bình quân đầu người 77-80 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1%/năm; có 1.000 doanh nghiệp thành lập mới; chỉ số cải cách hành chính nằm trong nhóm 30 tỉnh dẫn đầu…

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lê Tiến Châu cho biết, nhiệm kỳ vừa qua, toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị tiếp tục ổn định, duy trì và phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức đồng lòng; lãnh đạo, cán bộ Đảng viên và nhân dân đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đảng viên được nâng lên; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, tăng cường; lòng tin của nhân dân đối với Đảng ngày càng được nâng cao.

“Những kết quả đạt được nêu trên là nguồn lực quan trọng, tạo tiền đề để Hậu Giang tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn trong giai đoạn tới”, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang khẳng định.

Trong nhiệm ký tới, Hậu Giang đã xác định 3 nhiệm vụ đột phá quan trọng, gồm: Xây dựng hoàn thành và thực hiện nghiêm quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông thủy - bộ quan trọng kết nối giữa các địa phương trong tỉnh và giữa tỉnh với các địa phương trong khu vực ĐBSCL.

Ngoài ra sẽ tập trung công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách của địa phương, đặc biệt là hệ thống cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng ưu đãi, cạnh tranh so với các địa phương khác; thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội…

Với mong muốn người dân được ấm no, hạnh phúc, xây dựng Hậu Giang giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết đại hội lần này tập trung 4 nhiệm vụ là tổng kết Nghị quyết XIII; thảo luận và quyết định phương hướng, mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2020-2025; thảo luận, thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến đóng văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIV và bầu đoàn đại biểu dự Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thanh Hà  - Ảnh Văn Giáp