Ông Đinh Duy Hùng, Phó trưởng Ban Thu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay, khả năng doanh nghiệp (DN) lợi dụng chính sách để nợ, trốn đóng BHXH lúc nào cũng có, không chỉ riêng trong dịch Covid-19.

“Phải nói là chỉ tiêu về số tiền nợ là một trong những chỉ tiêu nghiệp vụ mà ngành BHXH phải thường xuyên quan tâm để giảm số tiền đóng, nợ của các đối tượng BHXH. Hiện nay, số tiền nợ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số tiền thu”, ông Đinh Duy Hùng thông tin.

Tuy nhiên, đáng ngại là trong số tiền nợ đó có tiền của các doanh nghiệp đã phá sản, đã giải thể hoặc của các doanh nghiệp nước ngoài đã có chủ bỏ trốn, khó có khả năng thu hồi, rất đáng ngại. Trong khi đó chưa có hướng dẫn để thu hồi số nợ này. Điều này ảnh hưởng đến người lao động và ảnh hưởng không tốt đển mục tiêu tăng trưởng diện bao phủ BHXH.

{keywords}
Ảnh minh họa: Tiếp nhận và giải quyết thủ tục BHXH tại bộ phận Một cửa- BHXH Sóc Sơn (Hà Nội).

Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian qua ngành BHXH đã triển khai nhiều biện pháp về nghiệp vụ, như đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị tham gia BHXH thường xuyên có thông tin hằng tháng. Đối với các đơn vị có nợ đọng thì gần như nhắc liên tục để có thông báo về kết quả đóng BHXH của đơn vị.

Bên cạnh việc thông tin, đôn đốc nhắc nhở các doanh nghiệp có nhiệm vụ BHXH, ngành BHXH cũng triển khai mạnh các biện pháp đôn đốc, răn đe mà pháp luật cho phép như thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất. Đối với các trường hợp cố tình trốn đóng, chúng tôi cũng đã chuyển hồ sơ cho các cơ quan điều tra để kiến nghị xử lý hình sự theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với các doanh nghiệp đã phá sản, giải thể, ngành BHXH đã báo cáo với Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước báo cáo với Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ.

Bên cạnh các giải pháp thực hiện quyết liệt như tôi đã nêu, cũng cần có sự tham gia phối hợp của các cơ quan, khẳng định vai trò của chính quyền địa phương trong việc phối hợp và tổ chức thực hiện chính sách BHXH và bảo hiểm y tế ở địa phương mình.

Ngoài ra một số quy định của pháp luật liên quan đến quy trình xử lý các doanh nghiệp giải thể, phá sản, cũng có liên quan đến giải quyết quyền lợi của người lao động cũng cần phải khắc phục sớm nhằm ưu tiên giải quyết các vấn đề liên quan đến tiền lương và bảo hiểm XH, bảo hiểm y tế cho người lao động.

Theo thống kê, hiện còn hơn 280 nghìn doanh nghiệp chưa tham gia BHXH cho NLĐ. Là cơ quan ban hành chính sách cũng như quản lý về lao động, ông Trần Hải Nam cho rằng, về việc quản lý tốt đối tượng tham gia BHXH là cơ sở bảo đảm tính tuân thủ của doanh nghiệp và người lao động khi tham gia chính sách BHXH bắt buộc, đây là nhiệm vụ được triển khai trong thời gian qua để đẩy mạnh độ bao phủ loại hình BHXH bắt buộc. Để thực hiện quản lý tốt các đối tượng này cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được đề cập tới trong các Nghị quyết của T.Ư cũng như thực hiện lộ trình để bảo đảm các mục tiêu phát triển đối tượng trong thời gian tới.

Thời gian qua, trong quá trình hoàn thiện các quy định của pháp luật, về phía Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã tham mưu, đề xuất để theo đó các giải pháp được đưa vào thành các văn bản quy phạm.

Một trong những giải pháp đó là tại Luật BHXH năm 2014 đã quy định về trách nhiệm trong chia sẻ thông tin và phối hợp giữa cơ quan BHXH với các cơ quan chức năng ở cả T.Ư và địa phương để quản lý các đối tượng này. Ví dụ trong luật bảo hiểm có quy định về việc định kỳ cơ quan lao động thương binh xã hội địa phương chia sẻ thông tin về tình hình lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn địa phương, cơ quan thuế phải chia sẻ để làm cơ sở cho cơ quan bảo hiểm đối chiếu các thông tin về chi phí nhân công lao động, tiền lương, để bảo hiểm xã hội triển khai công tác thu; cơ quan cấp phép đầu tư là các Sở Kế hoạch và Đầu tư của địa phương chia sẻ tình hình, thông tin các doanh nghiệp cấp phép lao động, đấy là những giải pháp để đẩy mạnh cho việc quản lý tốt đối tượng tham gia.

Thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 102 về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương. Đây cũng là một giải pháp và chỉ đạo để có được sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, của các cơ quan chức năng ở địa phương để đẩy mạnh việc quản lý tốt đối tượng cũng như buộc các doanh nghiệp trên địa bàn phải bảo đảm việc thực hiện đóng BHXH cũng như bảo đảm đầy đủ các quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp tuyển dụng. Đây là những giải pháp để tạo điều kiện cùng với công tác triển khai của cơ quan BHXH để cho các doanh nghiệp thực hiện được đầy đủ các trách nhiệm cuả mình theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, về phía tổ chức thực hiện, các cơ quan, đặc biệt là BHXH thời gian qua cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phối hợp cùng bưu điện thực hiện các thủ tục tiếp nhận và trả kết quả giải quyết chế độ, giảm thiểu các bước, các thủ tục đối với doanh nghiệp. Đó cũng là những điều kiện để giúp cho doanh nghiệp khi tham gia bảo hiểm xã hội một cách thuận lợi nhất, để từ đó các doanh nghiệp cũng góp phần hoàn thành các trách nhiệm nghĩa vụ của mình khi tham gia vào trong chính sách. Đó là những giải pháp đã và đang được triển khai trong thời gian qua để thực hiện được tốt công tác về phát triển đối tượng đặc biệt đối với các nhóm lao động khi tham gia BHXH bắt buộc.

Trần Hạnh
Ảnh: Hoài Bắc