Ngày 14/6 vừa qua, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND về thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP TP năm 2021.

Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP TP Hà Nội năm 2021 với 8 nội dung. Đó là xây dựng hệ thống chỉ đạo, thực hiện Chương trình OCOP từ thành phố đến cơ sở.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chương trình OCOP; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn lực; triển khai đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; phát triển, nâng cấp sản phẩm OCOP.

{keywords}
Một sản phẩm OCOP của Hà Nội.

Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; nâng cao năng lực quản lý, kinh nghiệm triển khai Chương trình OCOP; kiểm tra, giám sát các chủ thể quản lý, duy trì, phát triển sản phẩm OCOP.

Thành phố phấn đấu năm 2021, tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP cấp thành phố theo đúng quy định.

Thành phố cũng đề ra mục tiêu có khoảng 400 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên và 10 sản phẩm tiềm năng 5 sao tham gia đánh giá và phân hạng sản phẩm cấp Quốc gia. Ngoài ra, thành phố cũng phát triển mới 30-40 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn.

UBND Hà Nội sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ 1.054 sản phẩm của 255 chủ thể đã được thành phố phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng cấp thành phố tham gia các hoạt động kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm.

Trước đó, năm 2019, Hà Nội có 301 sản phẩm OCOP. Sang năm 2020, Hà Nội tiếp tục có 753 sản phẩm OCOP. Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP đa dạng về chủng loại, mang nét đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa theo quy định.

Thu Hà