Đầu tư 9.000 tỷ cho giảm nghèo

Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1722 của Thủ tướng chính phủ, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có những chính sách thiết thực, cụ thể, từng bước ổn định, phát triển.

Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố là 1,7%. Đến cuối năm 2018, trên địa bàn thành phố không còn xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135.

Dự kiến đến cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm xuống còn dưới 1,2%; riêng tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,5%; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm xuống còn dưới 3%.

Một trong những yếu tố giúp công tác giảm nghèo hiệu quả là do thành phố triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể hiệu quả.

{keywords}
Dự kiến đến cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm xuống còn dưới 1,2%

Tính đến nay, ngân sách thành phố đã bố trí gần 9.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình giảm nghèo. Công tác hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo không có khả năng tự xây dựng, sửa chữa nhà ở từ năm 2016 đến 2019 cũng được triển khai ráo riết, các quận, huyện, thị xã.

Theo đó, Hà Nội đã hỗ trợ cho 7.165 hộ nghèo từ ngân sách địa phương và vận động xã hội hóa. Đáng chú ý, năm 2018, thành phố đã mở đợt cao điểm vận động xã hội hóa và cho vay ưu đãi từ ngân sách, hỗ trợ cho 4.166 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở...

Chưa dừng lại ở đó, thông qua các chính sách hỗ trợ, 100% hộ nghèo trên địa bàn thành phố được tiếp cận và sử dụng truyền hình số mặt đất. 100% học sinh có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo được miễn học phí và được hỗ trợ chi phí học tập; 100% học sinh có cha mẹ thuộc diện hộ cận nghèo được giảm 50% học phí…

Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn thành phố đã đào tạo nghề cho 761.514 lượt người, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề năm 2019 là 90,4%. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho người dân, 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, thành phố còn duy trì chính sách hỗ trợ tiền điện cho 100% hộ nghèo; trợ cấp hàng tháng cho 192.000 đối tượng bảo trợ xã hội, 3.000 người già yếu không có khả năng tự phục vụ và người mắc bệnh hiểm nghèo thuộc hộ nghèo; 8.100 người là người cao tuổi cô đơn, …

Tạo sinh kế cho hộ nghèo

Cùng với ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, để tạo sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo, 5 năm qua, thành phố còn triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Đơn cử như  mô hình nuôi bò sinh sản đang được áp dụng tại các địa phương nghèo của Hà Nội.

Ông Chu Phú Mỹ- Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, “Sau khi nhận hỗ trợ, các hộ đã tổ chức chăn nuôi hiệu quả và vươn lên thoát nghèo. Năm 2020, Sở NN&PTNT đang hướng dẫn lập dự án trình UBND thành phố phê duyệt triển khai thực hiện nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 14 xã khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc miền núi trên địa bàn thành phố với tổng kinh phí 14 tỷ đồng. Dự kiến, sẽ có 700 hộ nghèo, hộ cận nghèo tại 14 xã được hỗ trợ phát triển sản xuất để vươn lên thoát nghèo”.

{keywords}
Nhiều người dân được hỗ trợ , hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng thoát nghèo.

Được biết, nhằm tiếp tục tạo sinh kế cho các hộ nghèo, các cấp, các ngành thành phố cũng đang tích cực rà soát, đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, cùng với đề xuất tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo, các sở, ngành cũng nghiên cứu đề xuất thành phố tăng cường hệ thống chính sách đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhằm thực hiện giảm nghèo bền vững, chống tái nghèo.

Hy vọng, với sự hỗ trợ về kỹ thuật, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vốn vay phát triển kinh tế, tạo việc làm, đời sống vật chất, tinh thần của các hộ nghèo tiếp tục được cải thiện, công tác giáo dục, văn hóa, y tế... sẽ có nhiều khởi sắc trong giai đoạn mới.

Thúy Hạnh
Ảnh: Thanh Thủy