Với mục tiêu phòng, chống dịch bệnh và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi, các trang trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
 
Hiện nay, cơ cấu ngành chăn nuôi của Hà Nội được chuyển đổi mạnh mẽ từ chăn nuôi hộ gia đình quy mô nhỏ sang chăn nuôi quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao. Các trang trại, hợp tác xã chăn nuôi thời gian qua đã tích cực đưa công nghệ vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. 

{keywords}
Chăn nuôi công nghệ cao là hướng đi bền vững. 

Đến nay, toàn thành phố có 557 trang trại sử dụng công nghệ chuồng kín; 26 trang trại sử dụng công nghệ dây chuyền cho ăn uống tự động; 200 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động; 35 trang trại sử dụng công nghệ nuôi trên sàn nhựa…

Mô hình chăn nuôi theo hướng công nghệ cao là việc ứng dụng những công nghệ hiện đại, tiên tiến vào sản xuất, bao gồm: cơ giới hóa, tự động hóa; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học; sử dụng các giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao nhằm đạt hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững theo hướng công nghiệp, bảo vệ môi trường, định hướng xuất khẩu.

Việc áp dụng mô hình chăn nuôi công nghệ cao có ưu điểm là giúp giảm bớt sức lực, thời gian cho người lao động; nâng cao độ chính xác, tốc độ làm việc và tối ưu chi phí; giúp xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường một cách triệt để nên đã được xem là xu hướng tích cực cho ngành chăn nuôi hiện nay.

Hầu hết các trang trại chăn nuôi công nghệ cao đều được xây dựng theo mô hình chuồng kín, trại lạnh có điều hòa nhiệt độ, hệ thống quạt thông gió và áp dụng theo nguyên tắc “cùng vào – cùng ra” nhằm đảm bảo an toàn sinh học. Đồng thời, các trang trại áp dụng tự động hóa quá trình chăn nuôi quy mô công nghiệp, sử dụng hệ thống phân phối và định lượng thức ăn tại chuồng, hệ thống tiêu độc khử trùng tự động… để góp phần nâng cao năng suất chăn nuôi và đạt hiệu quả phòng chống dịch bệnh.

Các mô hình chăn nuôi công nghệ cao đã chứng minh được hiệu quả rõ nét đối với công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc. Quy tình chăn nuôi khép kín như "vòng bảo vê" gia súc trước các mối nguy hiểm từ dịch bệnh. 
 
Ngành nông nghiệp đã tham mưu thành phố tiếp tục có chính sách hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao như sử dụng chuồng kín, tự động hóa ở các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý dịch bệnh, xử lý môi trường chăn nuôi.

Đặc biệt, chú trọng bổ sung các giống cao sản, cải tạo giống, phục tráng các nguồn gen bản địa phù hợp nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô và xuất khẩu...

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng vùng an toàn dịch, cơ sở an toàn dịch cho các trang trại chăn nuôi công nghệ cao. Tăng cường tập huấn chuyên môn kỹ thuật ứng dụng công nghệ cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình sản xuất chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ hỗ trợ cơ khí hóa sản xuất thiết bị chuồng nuôi, thiết bị chế biến, giết mổ, dây chuyền chế biến thức ăn, chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm và các dịch vụ khác để thúc đẩy hoạt động công nghệ cao nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm công nghệ cao trong chăn nuôi.

Việc đẩy mạnh thực hiện các mô hình chăn nuôi công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian qua là hướng đi phù hợp, là giải pháp quan trọng, mang tính quyết định tới hiệu quả của công tác phòng chống dịch bệnh và hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.

Thành Huế