Theo Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, vốn dự kiến đầu tư cho nông thôn Hà Nội trong 5 năm tới là 92.680 tỷ đồng (tăng khoảng 15% so với giai đoạn trước).

{keywords}
Vốn dự kiến đầu tư cho nông thôn Hà Nội trong 5 năm tới là 92.680 tỷ đồng (tăng khoảng 15% so với giai đoạn trước). Ảnh minh họa.

 

Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư là 83.700 tỷ đồng, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách là 8.980 tỷ đồng.

Nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư theo phân cấp: Ngân sách thành phố hỗ trợ ngân sách huyện đầu tư xây dựng nông thôn mới ở các xã theo nguyên tắc: Tập trung hỗ trợ một phần vốn đầu tư hạ tầng thiết yếu, các chương trình, dự án khuyến khích phát triển nông nghiệp; ưu tiên hỗ trợ các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, xã dân tộc miền núi. Ngân sách cấp huyện đầu tư cho các công trình, dự án cấp huyện quản lý, hỗ trợ có mục tiêu cho các xã xây dựng hạ tầng nông thôn...

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, để có cơ sở xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, công tác quy hoạch phải đi trước một bước làm tiền đề để tổ chức thực hiện các nội dung tiếp theo.

Thành phố đã sớm phê duyệt hàng loạt quy hoạch chuyên ngành và các đề án dự án liên quan đến phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân. Nhờ vậy việc xây dựng hạ tầng được triển khai mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả... Sau hợp nhất cũng là lúc Thủ đô triển khai quyết liệt Chương trình xây dựng NTM. Tổng nguồn vốn đã huy động đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2010-2015 là 63.553 tỷ đồng.

Trong đó, riêng đầu tư cho Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 là 34.465 tỷ đồng. Hàng nghìn tuyến đường giao thông nông thôn, hàng trăm trường học, nhà văn hóa thôn, trụ sở làm việc các xã đã được đầu tư xây dựng tạo thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Tròn 8 năm sau ngày hợp nhất, dù thời gian chưa phải dài, song cũng đủ để nhận thấy vùng nông thôn đã và đang được Hà Nội quan tâm, dành ưu tiên nguồn lực để đầu tư tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ.

Người dân khu vực nông thôn đã được tiếp cận ngày một nhiều hơn với tiến bộ kỹ thuật mới, đưa công nghệ cao, cơ giới vào sản xuất; triển khai thực hiện tốt các mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn; sản xuất rau an toàn; phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm... Đã hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng, đáp ứng cơ bản yêu cầu của nhân dân; một số sản phẩm đã tiếp cận được thị trường rộng rãi trong nước và hướng tới xuất khẩu như: Lúa chất lượng cao, sữa tươi, quả đặc sản, rau an toàn, hoa cây cảnh... tạo niềm tin yên tâm cho người sản xuất và tiêu dùng.

Với sự quan tâm đầu tư của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực vươn lên, nông thôn Hà Nội chắc chắn sẽ tiếp tục có những đổi thay to lớn, tích cực hơn nữa.

Kim Chi