Kết quả công bố chỉ số PAR Index, SIPAS của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố hồi tháng 6 vừa qua cho hay, chỉ số PAR INDEX năm 2020 xếp hạng 33/63, tăng 20 bậc so với năm 2019; tăng 25 bậc, so sánh năm 2020 với năm 2015. Chỉ số SIPAS năm 2020, xếp hạng 25/63, tăng 10 bậc so với năm 2019; tăng 9 bậc, so sánh năm 2020 với năm 2017.

Trước đó, công bố mới nhất của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cũng cho biết, chỉ số PAPI của Hà Giang bứt phá 12 bậc so với năm 2019 để đứng đầu nhóm đạt điểm Trung bình thấp, xếp hạng thứ 33/63 tỉnh, thành phố.

Với các thông số tích cực này, Hà Giang lần đầu tiên nằm trong nhóm B của cả nước sau 9 năm kể từ khi chỉ số PAR Index được triển khai trên phạm vi toàn quốc (năm 2012); đồng thời vượt mục tiêu 3,87% so với Nghị quyết số 04, ngày 12/4/2016 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CCHC giai đoạn 2016 – 2020 đề ra.

{keywords}
Người dân, doanh nghiệp hài lòng đối với kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Hà Giang.

Nhìn lại hành trình triển khai cải cách hành chính (CCHC) của Hà Giang có thể thấy, để có được kết quả này là nhờ ngay từ đầu Hà Giang đã xác định rất rõ, cải cách hành chính đóng vai trò quan trọng để các hoạt động điều hành của chính quyền hiệu quả hơn theo hướng phục vụ người dân và thu hút các nhà đầu tư. Do đó, lộ trình CCHC đã được Hà Giang từng bước triển khai bài bản rộng khắp tại các địa phương, trên tất cả các lĩnh vực.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI với nhiệm vụ “Phát huy sức mạnh toàn dân – Đẩy mạnh CCHC, vì Hà Giang phát triển” và Nghị quyết 04 (khóa XVI) của Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CCHC giai đoạn 2016 – 2020 nhằm nâng cao chất lượng công vụ, tạo sự thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện các TTHC.

Tháng 5/2016, UBND tỉnh thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh (nay là Trung tâm Phục vụ hành chính công), mô hình này đã tạo bước đi đột phá của tỉnh, làm thay đổi rõ rệt về chất lượng cải cách TTHC, nâng cao tinh thần phục vụ của cơ quan Nhà nước, tạo sự tin tưởng của tổ chức, cá nhân do có sự kiểm soát, đôn đốc khách quan, chính xác, tin cậy hơn so với mô hình một cửa độc lập. Ngoài ra, nhiều thành phần hồ sơ và quy trình giải quyết TTHC đã được cắt giảm và đơn giản hóa. Đến nay 31,55% TTHC được rút ngắn trên 30% thời gian giải quyết; số TTHC cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt 19,28%, mức độ 4 đạt 14,79%.

Từ chủ trương nhất quán đó, Hà Giang quyết liệt sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan hành chính đúng quy định; tinh gọn tổ chức bên trong của các đơn vị hành chính và giảm đầu mối các đơn vị sự nghiệp; thực hiện đầy đủ phân cấp quản lý giữa tỉnh với địa bàn và từng lĩnh vực. Căn cứ kết quả chỉ số SIPAS và chỉ số PAR Index, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ tỉnh đến địa phương có những biện pháp, giải pháp mới, đột phá, phù hợp để cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức. Trực tiếp chịu trách nhiệm với kết quả CCHC thuộc phạm vi quản lý. 

Tinh thần cải cách được quán triệt tới từng lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến từng cơ quan, đơn vị. Việc xây dựng khung kiến trúc chính quyền điện tử được triển khai đồng bộ. Hệ thống giao ban trực tuyến được triển khai sớm; phần mềm quản lý văn bản VNPT iOffice, ứng dụng chữ ký số tiếp tục được duy trì tạo điều kiện thuận lợi trong công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, góp phần phát triển KT – XH.

Hiện 100% lãnh đạo các cấp tại Hà Giang có thẩm quyền ký các cấp đã được trang bị chữ ký số chuyên dùng, tỷ lệ văn bản phát hành được ký số đạt 85%, tăng cường hợp, làm việc trực tuyến, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; phát huy tốt hiệu quả của hệ thống giao ban trực tuyến 4 cấp, đặc biệt trong việc tổ chức Đại hội điểm Đảng bộ cấp xã (tiêu biểu xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên) và tổ chức các hội nghị trực tuyến trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội.

Năm 2019, Hà Giang sử dụng hệ thống phần mềm đánh giá Chỉ số CCHC đối với 20 sở, ban, ngành và UBND 11 huyện, thành phố. Qua đó, tạo điều kiện cho các đơn vị tự đánh giá kết quả CCHC trên hệ thống phần mềm mà không phải nộp tài liệu kiểm chứng bằng bản giấy về Ban Tổ chức – Nội vụ tỉnh như cách làm truyền thống. Đồng thời, cũng là năm đầu tiên có sự tham gia của 6 sở, ban, ngành thuộc Hội đồng thẩm định và Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định; nhằm thẩm định, phân hạng kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC đối với từng cơ quan, đơn vị. Công tác thẩm định từng lĩnh vực được phân quyền cho các sở, ban, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ nhằm bảo đảm tính chính xác, khách quan, minh bạch. Ví dụ như: Ban Tổ chức - Nội vụ tỉnh thẩm định nội dung chỉ đạo, điều hành, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); Sở Tư pháp thẩm định nội dung xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định nội dung hiện đại hoá hành chính…

Theo đó, Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC được cấu trúc thành 7 lĩnh vực đánh giá, với 41 TC, 72 tiêu chí thành phần (TCTP) đối với cấp tỉnh và 44 TC, 88 TCTP đối với cấp huyện, liên quan đến: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; xây dựng và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; cải cách cơ chế quản lý tài chính công; hiện đại hoá hành chính. Kết quả đánh giá Chỉ số CCHC được tính theo thang điểm 100 (trong đó có 70 điểm nội dung, 30 điểm điều tra xã hội học) và phân thành 5 loại: Xuất sắc (từ 90 điểm trở lên); Tốt (từ 80 đến dưới 90 điểm); Khá (từ 65 đến dưới 80 điểm); Trung bình (từ 50 đến dưới 65 điểm) và loại Yếu (dưới 50 điểm).

Nhờ xác định mục tiêu rõ ràng, cùng với quyết tâm chính trị rất cao trong toàn hệ thống, năm ngoái, Hà Giang đã hoàn thành sắp xếp 4 đơn vị hành chính cấp xã tại huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần, đồng thời hoàn thiện 11 đề án về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đơn vị. Bên cạnh đó, Tỉnh đã hoàn thành triển khai xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức, tổ chức thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh, thực hiện tinh giảm 732  chỉ tiêu biên chế so với năm 2019.  

PAR Index chính là công cụ quản lý quan trọng, phục vụ có hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị, giúp xác định rõ ưu điểm, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ CCHC. Chỉ số PAR Index năm 2020 được xác định dựa trên kết quả đánh giá 2 nhóm tiêu chí: Kết quả thực hiện CCHC (có 7 chỉ số thành phần) và tác động của CCHC (có 3 nhóm tiêu chí).
Kết quả chỉ số PAR Index của Hà Giang: Công tác chỉ đạo, điều hành liên quan đến CCHC đạt 7,89/8,5 điểm (tương đương 92,82%), tăng 22,23% và 29 bậc so với năm 2019, xếp hạng thứ 26/63 tỉnh, thành phố. Tương tự như vậy, CSTP xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh xếp vị trí thứ 6/63 tỉnh, thành phố, tăng 3,43% và 24 bậc so với năm 2019; CSTP xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tăng 19 bậc và xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố. Riêng CSTP hiện đại hóa hành chính xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố, tăng 17,68% và 33 bậc so với năm 2019. Đây là minh chứng cho sự quyết liệt của tỉnh Hà Giang trong ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001) theo quy định...

Một trong những giá trị cốt lõi của PAR Index chính là đánh giá tác động của CCHC đến người dân, tổ chức (NDTC) và phát triển KT-XH của tỉnh. Nói cách khác, đây chính là chỉ số SIPAS – đo lường sự hài lòng của NDTC đối với sự phục vụ của cơ quan HCNN nhằm đánh giá khách quan chất lượng phục vụ, cung ứng dịch vụ công của cơ quan HCNN thông qua ý kiến phản hồi của NDTC. Trên cơ sở đó, giúp cơ quan HCNN nắm bắt được cảm nhận, yêu cầu, mong muốn của NDTC để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ, cung ứng dịch vụ nhằm nâng cao sự hài lòng và lợi ích của NDTC. Kết quả khảo sát cho thấy sự hài lòng của NDTC đối với sự phục vụ của cơ quan HCNN trên địa bàn tỉnh đạt 8,77/10 điểm, đưa tỉnh ta xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố. Nhiều chỉ số nhận được sự hài lòng cao, như: Chỉ số hài lòng về tiếp cận dịch vụ, tổ chức giải quyết TTHC, sự hài lòng về công chức giải quyết TTHC, kết quả giải quyết TTHC...

 Bắc Quang