Tháo gỡ khó khăn

Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM đã kiến nghị các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp với UBND TPHCM. Cụ thể, đơn vị này dành cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa thiết yếu nhằm bình ổn thị trường.

Những doanh nghiệp hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến”… cần được hỗ trợ vốn cao hơn mức hỗ trợ hiện tại và đơn giản hóa thủ tục vay.

Bên cạnh đó Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TPHCM cần phối hợp với các ban ngành, địa phương triển khai hỗ trợ doanh nghiệp được vay lãi suất 0%, không phải bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Theo Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu đầu vào của ngành lương thực thực phẩm tăng từ 10 - 30% khiến chi phí sản xuất tăng vọt, trong khi sức mua thị trường yếu, không thể điều chỉnh giá đầu ra.

Vừa qua, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được hưởng các gói hỗ trợ doanh nghiệp từ Chính phủ (nhất là gói hỗ trợ miễn, giảm lãi vay, cho vay) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều doanh nghiệp làm ăn uy tín, có các sản phẩm nằm trong danh mục sản phẩm chủ lực của thành phố lại không được hỗ trợ giảm lãi suất mà còn bị ngân hàng tính tăng lãi suất cho vay.

{keywords}
Ngân hàng Nhà nước chính thức gia hạn thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng

Vì vậy, các doanh nghiệp rất mong các ngân hàng bổ sung doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm vào đối tượng được hỗ trợ miễn, giảm lãi suất cho vay, đẩy nhanh quá trình và thời gian giải ngân các khoản vay... để doanh nghiệp kịp thời bổ sung nguồn vốn tái sản xuất trong mùa dịch.

Thống kê của FiinGroup cũng cho hay, lãi sau thuế quý II/2021 của khối doanh nghiệp bất động sản, xây dựng và vật liệu vẫn tăng gần 76%. Song mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM vẫn đề xuất ngân hàng giảm 2% lãi vay với doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sản xuất và xuất nhập khẩu Việt Phúc (sản xuất và cung ứng các sản phẩm cho khách sạn, du thuyền) cho rằng, giảm lãi suất cho vay nên tập trung vào nhóm ngành nghề chịu tác động, chứ không nên dàn trải.

“Nên hỗ trợ nhóm ngành hàng không, du lịch, khách sạn và dịch vụ phụ trợ. Ngược lại, nhóm thực phẩm, logistic, thương mại điện tử… đang tăng trưởng tới hai con số thì nên ủng hộ thêm vào ngân sách chống dịch”, bà Hương nêu quan điểm.

Liên quan đến các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, gần đây số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng cao kỷ lục so với số doanh nghiệp thành lập mới.

Các doanh nghiệp mong muốn các gói hỗ trợ cần đi vào thực chất hơn để giúp vượt doanh nghiệp qua đại dịch. Vừa qua, có một số ngành công nghiệp trọng yếu đã nhanh chóng kết nối nguồn nguyên liệu, điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn đang gặp áp lực lớn về vốn và giá nguyên liệu.

“Hiện nay, các doanh nghiệp rất khó khăn, chúng ta không còn nhiều thời gian bàn giải pháp mà phải có giải pháp thực thi ngay và đi vào thực tế để giúp doanh nghiệp. Các đối tượng thụ hưởng chính sách mới cần được xem xét công bằng hơn, các gói hỗ trợ cũng phải tiếp cận theo hướng công bằng và tiêu chí dễ dàng, như thế mới thực sự thiết thực cho doanh nghiệp”, ông Chu Tiến Dũng nói.

Gia hạn thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng

Ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo đó, việc cơ cấu lại nợ sẽ áp dụng cho số dư nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính (thay vì trước ngày 10/6/2020); dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022 (Thông tư 03 quy định từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2021).

Bên cạnh đó, việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo dự thảo mới cũng sẽ kéo dài thêm 6 tháng so với Thông tư 03, đến ngày 30/6/2022.

Ngoài ra, Thông tư 14 cũng bổ sung thêm một trường hợp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là khi số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 1/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước ngày 7/9/2021.

Cũng theo thông tư, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8 từ hoạt động cấp tín dụng mà nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi dịch.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc gia hạn thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng là do căn cứ vào kế hoạch tiêm chủng và kế hoạch kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ. Tại dự thảo thông tư lần 1 lấy ý kiến các đơn vị trong Ngân hàng Nhà nước, cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng đã đánh giá và đề xuất việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022 là phù hợp nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng với dịch, theo đó, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ có thêm khoảng thời gian 6 tháng để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bảo Anh