Cùng chung tay các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, ngành Điện lực thành phố Hồ Chí Minh cũng đã cho triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời khắp nơi trên địa bàn. Theo tính toán của Tổng công ty Điện lực thành phố (EVNHCMC), hiệu quả ước tính giảm lượng phát thải khí nhà kính mà khách hàng sử dụng từ năng lượng điện mặt trời tại thành phố hiện tương đương 85 nghìn tấn khí CO2.

{keywords}
Ảnh minh họa

Theo thống kê sơ bộ, tới nay, đã có khoảng 30 trụ sở cơ quan hành chính, công lập trên địa bàn thành phố lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà và được đánh giá hiệu quả, giúp mang lại những hiệu quả thiết thực, một số đơn vị cho hay ngoài việc tiết kiệm tiền điện phải trả do giảm sử dụng từ nguồn điện lưới, việc lắp đặt các tấm pin mặt trời còn giúp làm mát tòa nhà, giảm công suất sử dụng máy lạnh và các cơ quan còn có thêm nguồn thu bổ sung từ tiền bán sản lượng điện mặt trời dư phát ngược lên lưới điện.

Hiệp hội Các DN TP HCM (HBA), Ban Quản lý các KCN-KCX TP HCM (HEPZA) và EVNHCMC đã đồng tổ chức "Lễ phát động Chương trình phát triển điện mặt trời áp mái và năng lượng tái tạo" tại các KCN giai đoạn 2020-2024. Theo đó, các bên đặt mục tiêu phát triển 1.000 MWp tổng công suất hệ thống điện mặt trời áp mái với 1.000 DN trong các KCN, KCX, Khu Công nghệ cao (KCNC) trên địa bàn TP. Nếu hoàn thành mục tiêu chiến lược đề ra, hoạt động này sẽ giúp giảm 10%-15% lượng điện tiêu thụ, góp phần giảm 23 triệu tấn khí CO2, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên quốc gia, bảo đảm an ninh năng lượng đô thị và giảm áp lực ô nhiễm môi trường.

Đến thời điểm này, theo EVN HCMC, đã có khoảng 60 khách hàng là DN KCN-KCX đầu tư điện mặt trời trên mái nhà với công suất lắp đặt khoảng 22 MWp.

Phạm Thiện