Việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi đang được TP Hà Nội quan tâm triển khai. Đây là biện pháp mang lại hiệu quả về phòng chống dịch bệnh, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo thống kê, toàn thành phố có 557 trang trại sử dụng công nghệ chuồng kín; 26 trang trại sử dụng công nghệ dây chuyền cho ăn uống tự động; 200 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động; 35 trang trại sử dụng công nghệ nuôi trên sàn nhựa…

{keywords}
Giai đoạn 2021- 2030, TP Hà Nội phát triển chăn nuôi công nghệ cao. Ảnh Thu Hà

TP Hà Nội đã đề ra giải pháp phát triển chăn nuôi công nghệ cao giai đoạn 2021 – 2030 như: Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao và công bố công khai quy hoạch vùng chăn nuôi để kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư. Được ưu tiên giao đất, cho thuê đất ở những vị trí thuận lợi cho sản xuất; được hưởng các chính sách ưu đãi về đầu tư, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, môi trường.  

Xây dựng phương án tổ chức chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao phù hợp với thực tiễn sản xuất và điều kiện hạ tầng kinh tế, kỹ thuật của vùng, khu; phù hợp với khả năng huy động vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân.

Tập trung phát triển ở các khu, vùng đã được quy hoạch tại 05 khu chăn nuôi tập trung, 97 xã chăn nuôi gia súc, gia cầm trọng điểm với 119 trang trại chăn nuôi được ứng dụng mô hình chăn nuôi công nghệ cao.

Áp dụng các chính sách phát triển công nghệ cao hiện hành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao như sử dụng chuồng kín, tự động hóa chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý dịch bệnh, xử lý môi trường chăn nuôi.

Với công nghệ nuôi gà trong chuồng lạnh, điều kiện bắt buộc là phải lắp đặt hệ thống làm lạnh bằng những chiếc quạt gió cỡ lớn và máy điều hòa nhiệt độ để luôn giữ nhiệt độ thích hợp, giúp đàn gà phòng chống được dịch bệnh và phát triển ổn định. Bên cạnh đó còn trang bị hệ thống máng chuyền thức ăn, nước uống cho gà hoàn toàn tự động, phù hợp từng độ tuổi của đàn gà…

Chú trọng công nghệ gen, công nghệ sinh học, công nghệ di truyền học. Đầu tư vào cơ sở sản xuất giống nhập nội bằng cách bổ sung các giống cao sản, cải tạo giống, phục tráng các nguồn gen bản địa tốt cung cấp vật liệu di truyền để nhân giống, lai tạo giống như gà Mía, gà Ri, gà Lạc Thủy, vịt Cỏ… phù hợp với nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hữu cơ và các mô hình kinh tế tuần hoàn.

Nâng cao năng lực quản lý, sản xuất, chất lượng thức ăn từ các nguyên liệu đầu vào. Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thức ăn áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất làm nguyên liệu sản xuất thức ăn, sử dụng nguồn nguyên liệu đơn trong nước, các sản phẩm phụ trong nông nghiệp để tổng hợp chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Tập trung xây dựng vùng an toàn dịch, cơ sở an toàn dịch cho các trang trại chăn nuôi công nghệ cao. Sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tổ chức nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho hệ thống thú y đến cơ sở để giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, nhất là các địch bệnh nguy hiêm, kịp thời ngăn chặn không để dịch lớn xảy ra trên diện rộng.

Tăng cường tập huấn chuyên môn kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.

Thu Hà