Tại Việt Nam, từ đầu tháng 6 đến nay, cơ quan chức năng phát hiện chủng virus cúm gia cầm H5N8 xuất hiện ở các tỉnh Hòa Bình, Cao Bằng, Quảng Ninh, Thái Bình.

Trước nguy cơ dịch bệnh, ngành chăn nuôi - thú y huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm H5N8 cũng như các dịch gia cầm nguy hiểm khác.

Theo thống kê, huyện Đồng Hỷ,có hơn 1,5 triệu con gia cầm. Hiện tại, 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đang tiến hành tiêm phòng đợt 2 cho đàn vật nuôi.

{keywords}
Người chăn nuôi vẫn được tỉnh, huyện hỗ trợ kinh phí tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi. 

UBND huyện Đồng Hỷ đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với 15 xã, thị trấn tổ chức rà soát, thành lập các tổ tiêm phòng để tập huấn các kỹ thuật tiêm phòng cho các tổ viên.

Nhằm đảm bảo kế hoạch tiêm phòng trên đàn vật nuôi đúng thời gian, kế hoạch đã đề ra, trước đó, cơ quan chuyên môn của huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, thống kê số lượng vật nuôi trên địa bàn để chủ động cấp vắc xin; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng các loại vắc xin cho lực lượng thú y xã, thị trấn. Tuyên truyền về kế hoạch tiêm phòng để bà con được biết… Trong đợt 2 này, huyện sẽ thực hiện tiêm 197.600 liều vắc xin cúm gia cầm.

Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã cấp 590 lít hóa chất iodine, 150kg hóa chất vibazone cho các địa phương để phun khử trùng tiêu độc tại những vị trí có nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Theo kế hoạch, huyện Đồng Hỷ sẽ kết thúc tiêm phòng đợt 2 cho đàn vật nuôi đợt đến hết ngày 10/10.

Được biết, năm nay, người chăn nuôi trên địa bàn vẫn được tỉnh, huyện hỗ trợ kinh phí tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi, với mức hỗ trợ từ 50-100% tùy loại vắc xin, tổng kinh phí hỗ trợ trên 500 triệu đồng…

Phòng NN&PTNT huyện đã tham mưu cho UBND huyện đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát khi gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Vận động người dân tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh; vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, báo cáo dịch bệnh theo quy định. Hàng ngày tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi.

Gia đình anh Nguyễn Hữu Huân ở xã Nam Hòa đang nuôi 2.000 con gà, sắp tới anh sẽ tăng tổng số đàn lên 4.000 con. Đây là số gia cầm phục vụ cho nhu cầu thị trường cuối năm nên anh rất thận trọng trong công tác bảo vệ an toàn đàn vật nuôi trước dịch bệnh.

“Khi các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn huyện xuống hướng dẫn, tuyên truyền việc tiêm vắc xin cũng như khử khuẩn, chăn nuôi an toàn, tôi rất ủng hộ. Toàn bộ số vắc xin được tôi mua từ nguồn đảm bảo, giống gia cầm cũng chọn lựa nơi có uy tín. Mặc dù lo lắng dịch bệnh luôn thường trực nhưng tôi nghĩ nếu mình đảm bảo mọi khâu chuẩn theo hướng dẫn, nguy cơ sẽ giảm thiểu”, anh Huân khẳng định. 

Như Sỹ