Đó là thành quả khi Bộ NN-PTNT cùng doanh nghiệp có bước chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu đã đón sóng EVFTA ngay từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực (1/8/2020).

Trao đổi với báo chí về cơ hội mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam châu Âu (EVFTA), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, cơ hội để nông sản của chúng ta xuất khẩu được sang thị trường EU rất lớn khi được ưu đãi về thuế và hạn ngạch.

Thứ trưởng Tiến cho biết, ngay khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1201/2020/QĐ-TTg ngày 6/8/2020 phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, Bộ NN-PTNT đã xây dựng ngay chương trình hành động cho ngành nông nghiệp.

Bộ NN-PTNT cũng tạo môi trường thuận lợi giúp các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu.

Trước đó, các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị ngay từ đầu, từ khâu giống, vật tư đầu vào đến quy trình nuôi, trồng sao cho đáp ứng các tiêu chuẩn của EU. Nhờ vậy, ngay khi EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020, các doanh nghiệp có bước chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu đã đón sóng cơ hội.

{keywords}
Bộ xây dựng chương trình hành động nhanh, doanh nghiệp chuẩn bị kỹ lương nên EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu nông sản sang EU tăng mạnh

“Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng năng động trong tìm kiếm thị trường, liên kết với nông dân thực hiện đúng các khuyến cáo của EU để nâng cao giá trị nông sản, được phía đối tác EU đánh giá cao”, Thứ trưởng Tiến đánh giá.

Hai tháng qua, đơn hàng đặt mua nông sản Việt từ khách hàng EU tăng rất nhiều. Thứ trưởng tin tưởng, trong thời gian tới, nếu chúng ta làm tốt vấn đề truy xuất nguồn gốc, kiểm soát tốt chất lượng nông sản, giá trị kim ngạch xuất khẩu vào EU sẽ còn lớn hơn nữa.

Theo Thứ trưởng Tiến, trong số các mặt hàng có lợi thế vào EU, hai mặt hàng tôm và cá tra được đánh giá cao hơn. Trong đó, mặt hàng tôm năm nay cho sản lượng lớn, giá cao, cơ hội vào EU rất tốt.

Với mặt hàng cá tra, sau một thời gian chững lại, giá trị kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đã tăng tới 13%. Sang tháng 8-9, xuất khẩu mặt hàng này tiếp tục khởi sắc, giá cá tra nguyên liệu cũng tăng lên 19.000-20.000 đồng/kg.

“Mới đây đã có doanh nghiệp ký xuất khẩu 300.000 tấn cá tra mỗi năm vào thị trường Nga”, ông Tiến nói.

Trước đó, giữa tháng 9, các lô hàng tôm, gạo, bưởi, cà phê, chanh leo, dừa tươi, thanh long,... cũng lần lượt được xuất khẩu sang thị trường EU theo hiệp định EVFTA, hưởng thuế suất 0%.

{keywords}
Doanh nghiệp tự tin đón sóng EVFTA, đơn hàng dồn dập đổ về

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thị trường châu Âu mở ra với thuế suất bằng 0% đã kéo giá trị sản xuất hàng nông sản Việt Nam lên rất nhiều. Song, ông cho rằng ưu đãi thuế quan chỉ là bước khởi đầu để các doanh nghiệp bước vào thị trường EU.

Muốn nâng cao kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp cần đáp ứng đầy đủ quy trình phía EU yêu cầu, từ tổ chức sản xuất, sử dụng giống, vật tư đầu vào, xây dựng mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi đến khâu chế biến, vận chuyển phải đảm bảo an toàn và minh bạch.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ ra rằng, muốn vào được thị trường EU, tận dụng được các ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, các nhóm ngành hàng có lợi thế, gồm: rau quả, thuỷ sản, cây công nghiệp (cà phê, chè, điều,... ), gạo. Những nhóm ngành hàng này chúng ta tập trung đẩy nhanh hơn công tác sản xuất chuỗi, đẩy nhanh số lượng, kiểm soát chất lượng.

Cùng với đó, chúng ta cũng chú ý đến các chương trình dài hạn, căn cơ bền vững, và xác định không gì bền vững bằng tái cơ cấu chuỗi, với sự liên kết chặt chẽ của doanh nghiệp, HTX, nông dân để hình thành quy trình khép kín từ khâu tổ chức nguyên liệu tới chế biến, thương mại,... tranh thủ khai thác tốt thị trường này.

Tuy nhiên, khi hình thành được chuỗi sản xuất, khâu cuối cùng trong tổ chức sản xuất nông sản thì doanh nghiệp chính là hạt nhân quan trọng. Bởi, doanh nghiệp không chỉ đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào ứng dụng từ khâu sản xuất, mà còn quản trị, tổ chức chế biến, nhân lực, tổ chức xuất khẩu thương mại. Theo đó, phải có những ưu đãi, có những hỗ trợ để kéo được lực lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là khâu chế biến sâu để tăng giá trị hàng hóa.

Hải Băng