Là một trong những cơ sở sử dụng năng lượng xanh 3 sao của Thủ đô Hà Nội, với mức tiêu thụ năng lượng trung bình mỗi năm đạt 686,9 TOE quy đổi, tòa nhà Sông Đà (quận Nam Từ Liêm) đã áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng. Cụ thể, tòa nhà đã thay toàn bộ đèn chiếu sáng từ các bóng đèn huỳnh quang sang công nghệ chiếu sáng Led; dán film cách nhiệt cho hệ thống kính bao quanh tòa nhà; định kỳ vệ sinh hệ thống điều hòa không khí trung tâm; đặt lịch tắt bớt đèn các khu vực công cộng vào giờ nghỉ trưa; điều chỉnh lại giờ hoạt động của hệ thống bơm nước… 

{keywords}
Nhiều doanh nghiệp đã chọn giải pháp chủ động tiết kiệm năng lượng.

Cùng với việc thường xuyên nhắc nhở cán bộ công nhân viên và mọi người thực hiện các quy định tiết kiệm điện, nước, mức năng lượng đã tiết kiệm trong vòng 3 năm gần đây của tòa nhà đã đạt 360.720 kWh, từ đó tiết kiệm được 800 triệu đồng và tiết giảm 56 tấn khí CO2. Trong 5 năm tiếp theo, tòa nhà đặt mục tiêu tiết kiệm được 511.200 kWh, từ đó tiết kiệm 1,3 tỷ đồng và tiết giảm 78,8 tấn CO2.

Cũng chọn giải pháp tiết kiệm, tại vùng cao nguyên Đơn Dương, Lâm Đồng, một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm tươi sống đã tính toán, đầu tư lắp đặt 1 hệ thống điện mặt trời với chi phí trên 400 triệu đồng. 

"Việc dùng giàn lạnh rất tốn điện nên thay vì sử dụng điện lưới quốc gia, tôi đã chuyển sang lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Ban ngày trời nắng, bức xạ nhiệt cao, hệ thống đủ công suất giúp vận hành toàn bộ nhu cầu điện trong cửa hàng bách hóa. Việc chuyển đổi này giúp tôi tiết kiệm mỗi tháng 3-4 triệu đồng tiền điện. Đây là một khoảng không nhỏ cho một cửa hàng quy mô gia đình. 

Tương tự như vậy, đi dọc một dải vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, nơi có số giờ nắng và gió dồi dào, hầu hết các khách sạn, nhà hàng, nhà dân mới xây đều chuyển hướng lắp đặt các dạng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để phục vụ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh, việc tiết kiệm nước và các năng lượng khác trong sản xuất cũng được các nhà vườn, doanh nghiệp ứng dụng.

Tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng đã trở thành xu thế của cả cộng đồng, nhà quản lý cũng như người sản xuất và dân cư. Mỗi năm, Nhà nước hỗ trợ hàng tỷ đồng giúp doanh nghiệp cải thiện điều kiện sản xuất, trong đó chú trọng tới tiết kiệm năng lượng.

Các ngành đều có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiết kiệm năng lượng. Như ngành Công thương hỗ trợ doanh nghiệp kiểm toán năng lượng, cho vay không tính lãi để cải tiến, mua mới các máy móc tiết kiệm năng lượng. Ngành Nông nghiệp xây dựng các mô hình tưới tiết kiệm trên cây trồng, Sở Khoa học - Công nghệ triển khai dự án năng suất chất lượng với việc hỗ trợ doanh nghiệp từ 40-60 triệu đồng cho việc xây dựng một công cụ như: 5S, Kaizen hay hệ thống quản lý ISO, đều là những công cụ hiệu quả trong tiết kiệm năng lượng.

Thảo Hiền