Những năm qua, công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) tại tỉnh Điện Biên đã cho thấy tầm quan trọng đối với việc nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân, đóng góp rất lớn trong việc đưa chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Mặt khác, công tác này cũng giúp các cơ quan tiến hành tố tụng và chính quyền giải quyết các vụ việc đúng pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

{keywords}
 

Hơn 20 năm hoạt động và phát triển

Các tháng đầu năm nay, Trung tâm TGPL tỉnh đã thực hiện TGPL 182 vụ việc, 48 việc cho 230 lượt người có đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý. Trong đó, hình sự 117 vụ việc, 7 việc; dân sự, hôn nhân và gia đình 64 vụ việc, 30 việc; lĩnh vực khác 1 vụ việc, 11 việc.

Nổi bật trong 3 tháng đầu năm, Trung tâm đã chú trọng vào hoạt động TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng. Trong đó, đã huy động được 2 trợ giúp viên pháp lý và 6 luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL để bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho 14 đối tượng được TGPL trong vụ án an ninh.

Tính đến tháng 10/2019, trải qua tròn 20 năm xây dựng, phát triển, Trung tâm TGPL Điện Biên đã thực hiện TGPL miễn phí 20.309 vụ việc cho 46.164 lượt người có yêu cầu trợ giúp pháp lý. Trong đó, thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng trên 3.000 vụ; lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình trên 5.700 vụ việc; hình sự 3.800 vụ; đất đai trên 3.600 vụ...

Người được trợ giúp pháp lý chủ yếu là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (gần 37.000 lượt người), người thuộc hộ nghèo trên 6.700 lượt người, người có công với cách mạng trên 1.000 lượt.

Góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh

Là tỉnh miền núi nghèo, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, đa số là người dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa còn hạn chế và có sự bất đồng về ngôn ngữ… nên đối tượng thuộc diện TGPL tại tỉnh Điện Biên tương đối lớn. Do đó, để đảm bảo công tác TGPL tại cơ sở đạt hiệu quả, Trung tâm TGPL tỉnh tập trung thực hiện kế hoạch thi hành Luật TGPL.

Theo đó, Trung tâm đặc biệt chú trọng hoạt động truyền thông và công tác tham gia tố tụng; chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên bằng cách tổ chức nhiều hội nghị tập huấn giới thiệu các nội dung của Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành; kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện các loại vụ việc TGPL...; nâng cao kiến thức pháp luật về các lĩnh vực như hình sự, dân sự, khiếu nại, tố cáo...

Không chỉ giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho người dân, trong các buổi TGPL, các trợ giúp viên pháp lý còn phát hiện những việc làm sai trái, thiếu trách nhiệm của một số cá nhân, cơ quan có thẩm quyền để kịp thời kiến nghị, bảo vệ quyền lợi cho người dân. Qua đó, vừa giúp đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận, nâng cao hiểu biết về pháp luật, các chính sách của Ðảng và Nhà nước, vừa góp phần nâng cao chất lượng TGPL, nhất là công tác tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội, người bị hại trong các vụ án hình sự, các đương sự...

Có thể nói, trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm TGPL Điện Biên đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao hiểu biết pháp luật của nhân dân trên địa bàn tỉnh, giúp những người nghèo và các đối tượng chính sách bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Hoạt động trợ giúp pháp lý đã góp phần vào việc bảo đảm quyền con người, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Xuân An
Ảnh: Văn Hùng