Dịch bệnh đã gây thiệt hại lớn ở 42 xã/7 huyện

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, trang trại nái ở xã Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh) và xã Lưu Vĩnh Sơn, Công ty CP chăn nuôi Mitraco đã thực hiện cấm trại 100%. Tất cả các trại này đều nằm trong vùng bị dịch bệnh gia súc, gia cầm uy hiếp.

Công ty CP Chăn nuôi Mitraco, một trong những doanh nghiệp chăn nuôi lợn truyền thống, quy mô lớn nhất nhì tỉnh Hà Tĩnh, có tổng đàn nái hơn 3.800 con; đàn lợn thịt thường xuyên có mặt trong chuồng từ 12-15 ngàn con; bình quân mỗi tháng xuất bán 3 - 4 ngàn con. Mấy tháng nay, chi phí cho phòng chống dịch tăng lên gấp 5-7 lần so với bình thường. Ngoài việc tăng tần suất phun hóa chất lên 4-5 lượt/ngày, công ty còn mở rộng diện phun phòng ra bên ngoài trại, các khu dân cư lân cận. Đồng thời, hỗ trợ chính quyền các địa phương máy móc, hóa chất để phun tiêu độc khử trùng…

Ông Hồ Sỹ Huy Thảo, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Mitraco, quan ngại, nếu người chăn nuôi nhỏ lẻ không nâng cao ý thức phòng chống dịch, tiếp tục lơ là, không cảnh giác, bán tháo, bán chạy lợn nằm trong vùng dịch ra bên ngoài thì dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, khó kiểm soát, ảnh hưởng đến các trang trại lớn.

Hà Tĩnh là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm khá lớn, trong khi đó, phương thức chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, manh mún đang chiếm tỷ lệ lớn.

Mặc dù ngành chuyên môn đã khuyến cáo và triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh, tuy nhiên, kết quả đạt được chưa như mong muốn. Ngoài lý do khách quan, những yếu kém nội tại của mạng lưới thú y cơ sở ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả phòng dịch.

Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, cho hay, ngoài chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, trên địa bàn có nhiều trang trại lợn nái quy mô lớn cần phải bảo vệ nghiêm ngặt, bởi đây là  “đầu kéo” phục vụ việc tái đàn sau dịch bệnh. Tuy nhiên, việc phòng chống dịch đang gặp nhiều khó khăn do DTLCP chưa có vắcxin, chưa có thuốc đặc trị nên không thể tiêm phòng, bao vây dập dịch.

Bên cạnh đó, thời tiết những ngày qua ấm, ẩm, thuận lợi cho dịch bệnh lây lan. Trong khi đó, ý thức một số hộ dân trong phòng chống dịch chưa cao, có tình trạng bán chạy gia súc mắc bệnh. 

t21a.jpg

Hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm phát sinh trên đàn gia súc. Ảnh Hồng Hạnh

Theo thống kê chưa đầy đủ, tới nay, Hà Tĩnh có 6.516 con trâu, bò tại 13 huyện, thị xã, thành phố bị dịch VDNC chưa qua 21 ngày. Số gia súc chết phải tiêu hủy 552 con, dịch cúm gia cầm và DTLCP vẫn diễn biến phức tạp. Dịch đã gây thiệt hại lớn ở 42 xã/7 huyện; tổng trọng lượng lợn phải tiêu hủy hơn 74.000kg, tập trung ở các huyện Can Lộc, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh, Đức Thọ.

Tại Hà Tĩnh, thực hiện chủ trương sắp xếp lại hệ thống cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách cấp xã nên phần lớn thú y viên cấp xã được bố trí trước đây phải nghỉ việc, thay vào đó, chức danh này được cán bộ phụ trách đoàn thể kiêm nhiệm, hầu hết không có chuyên môn chăn nuôi - thú y. Cụ thể:  88/216 cấp xã có bố trí nhân viên có trình độ chuyên môn là trung cấp chăn nuôi - thú y; 128 cấp xã còn lại bố trí cán bộ kiêm nhiệm, không có bằng cấp chuyên môn về chăn nuôi - thú y.

Dù đội ngũ này đã rất cố gắng, song vì không được đào tạo chuyên sâu nên quá trình thực hiện nhiệm vụ trên lĩnh vực chăn nuôi – thú y chỉ dừng lại ở việc phổ biến văn bản của cấp trên và tham mưu cho UBND xã khung thời gian thực hiện các kế hoạch phòng chống dịch bệnh. Mỗi khi thực hiện chiến dịch tiêm phòng, các địa phương phải thuê người có chứng chỉ hành nghề để bảo đảm tiến độ, tuy vậy, vì không có cơ chế phụ cấp để ràng buộc họ nên khi xảy ra dịch bệnh, các đối tượng này tỏ ra dè dặt, không mặn mà trước yêu cầu hỗ trợ của các địa phương..

Ngoài những hạn chế nêu trên, theo Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi Hà Tĩnh  Trần Hùng, sau khi sáp nhập các trạm thú y cấp huyện vào các trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng, vật nuôi đã phát sinh những khó khăn trong áp dụng và thực hiện các quy định, nhiệm vụ theo luật và nghị định, thông tư bởi hệ thống ngành không phù hợp với các văn bản quy định.

Công tác quản lý nhà nước về thú y gồm nhiều hoạt động chuyên môn, đặc thù có tính thường xuyên và đột xuất, trong khi chức năng, nhiệm vụ của các trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng, vật nuôi bao gồm nhiều lĩnh vực, hoạt động với các chuyên ngành khác nhau, nhiệm vụ chính là các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ nên sự phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ hiệu quả không cao. Việc bố trí viên chức chưa cân đối giữa các chuyên ngành trong trung tâm dẫn đến việc cán bộ có trình độ chuyên môn chăn nuôi - thú y tại các trung tâm thiếu, chưa bảo đảm cho công tác tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Vì vậy, hơn lúc nào hết, địa phương cần nhìn nhận thấu đáo thực trạng mạng lưới thú y cơ sở, kịp thời có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp với Luật Thú y và các văn bản chỉ đạo của Nhà nước về nhiệm vụ phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Phạm Hải