Chú trọng giảm nghèo đa chiều, bền vững

Theo số liệu thống kê của tỉnh, hiện tại, Bình Dương không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương. Sau hơn 04 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh còn 3.806 hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của tỉnh, chiếm tỷ lệ 1,31%. Như vậy, từ năm 2016 đến cuối năm 2019, toàn tỉnh giảm được 3.102 hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của tỉnh. Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh giảm 4.556 hộ nghèo, đảm bảo giảm tỷ lệ hộ nghèo theo mục tiêu của giai đoạn đề ra, cơ bản không có hộ nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương, không có hộ tái nghèo. Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo còn dưới 2,5% theo chuẩn đa chiều mới của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Những thành quả của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 tạo ra bước tiến mới trong công tác giảm nghèo, góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bài toán về công tác giảm nghèo của Bình Dương đã tìm ra lời giải khi địa phương có quyết tâm, người nghèo có động lực để phấn đấu.​

Nét mới trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 của Bình Dương là chuyển đổi phương thức hỗ trợ không đầu tư dàn trải, mà có trọng tâm, trọng điểm và dồn lực theo phương châm "làm đến đâu chắc đến đó", hỗ trợ đúng với nhu cầu, nguyện vọng của người nghèo, khơi dậy được ý chí, khát vọng vươn lên của mỗi hộ nghèo. Các địa phương chú trọng ngay từ khâu khảo sát lựa chọn, sàng lọc ra từng đối tượng cụ thể: Nghèo do thiếu vốn làm ăn, nghèo do bệnh tật, nghèo do thiếu đất sản xuất… từ đó có hướng hỗ trợ sát thực với từng hoàn cảnh.

{keywords}
Địa phương có quyết tâm, người nghèo có động lực phấn đấu, Bình Dương đã tìm ra lời giải

Bộ tiêu chí điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều được tỉnh xây dựng năm 2018 được xem là bước tiến vượt bậc trong công tác giảm nghèo ở Bình Dương. Đây là nền tảng quan trọng hướng đến chất lượng, tính bền vững trong công tác giảm nghèo, đồng thời rút dần khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống giữa người nghèo với mặt bằng chung của cộng đồng, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội tốt hơn.

Trong những năm qua, thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, tỉnh Bình Dương đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ cho người nghèo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế của từng địa phương trong tỉnh. Chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo đã thực sự đi vào lòng dân, được nhân dân tín nhiệm và ủng hộ đã góp phần nâng cao mức sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

"Không để ai bị bỏ lại phía sau"

"Không để ai bị bỏ lại phía sau" là phương châm trong công tác giảm nghèo, cũng là phương châm hành động thống nhất từ cấp tỉnh đến các cấp cơ sở.

Hàng loạt những chính sách hỗ trợ của nhà nước là "bệ đỡ" để người nghèo vươn lên. Các dự án, chính sách, chương trình giảm nghèo được triển khai đồng bộ ở các địa phương. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020 là hơn 1.286 tỷ đồng, trong đó, hơn 122 tỷ từ nguồn xã hội hóa.

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã giải ngân 4.449 tỷ đồng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, sinh viên vay vốn; miễn, giảm học phí cho trên 54.000 lượt học sinh, sinh viên là con hộ nghèo; hỗ trợ xây và sửa chữa 537 căn nhà cho hộ nghèo (từ 50 đến 80 triệu đồng/căn). Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp vận động hỗ trợ vốn sản xuất cho hộ nghèo, hội viên với số tiền trên 19 tỷ đồng. Đồng thời các tổ chức thành viên đã mở trên 300 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 10.600 nông dân, hộ nghèo tham gia.

Với phương châm: “Bằng nguồn lực của Nhà nước và của toàn xã hội, tăng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cho vay vốn, trợ giúp đào tạo nghề… đối với người nghèo, xã nghèo và nhóm dân cư nghèo”, công tác xóa đói giảm nghèo của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Bình Dương mỗi năm đều có những thay đổi tích cực bằng các giải pháp hỗ trợ cho hộ nghèo phù hợp với môi trường phát triển về kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế của từng địa phương.

Xây dựng mô hình sinh kế lâu dài, khơi gợi được ý thức tự lực tự cường vươn lên của hộ nghèo là hai yếu tố then chốt quyết định đến thắng lợi của công tác giảm nghèo ở Bình Dương. Để mở được hai nút thắt căn bản đó, các địa phương đã kết hợp đa dạng hình thức hỗ trợ như "dạy nghề - tạo việc làm dựa vào cộng đồng cho người nghèo". Với mô hình này, người nghèo được tự do lựa chọn nghề và nơi học phù hợp với nhu cầu gắn với tạo việc làm sau khi đào tạo. Trong gần 05 năm qua, các huyện, thị xã, thành phố đã mở 114 lớp dạy nghề cho trên 2.200 học viên là lao động phổ thông, tổ chức 76 đợt tuyển sinh đào tạo nghề với sự tham gia của 35.000 học viên, giới thiệu việc làm cho 12.000 lao động. Các địa phương còn chú trọng khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế tập thể với việc hình thành và phát triển những mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới áp dụng công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ nông sản cùng tư duy đột phá trong tổ chức, điều hành, thu hút đông đảo nông dân tham gia, góp phần giảm nghèo bền vững. Đến nay toàn tỉnh có 94 HTX, tổ hợp tác...

Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghèo luôn được được các địa phương quan tâm, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã cấp phát trên 113.000 lượt thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo. Đặc biệt chính sách hỗ trợ người nghèo mắc bệnh hiểm nghèo theo Quyết định 3393/QĐ-UBND của UBND tỉnh trở thành điểm tựa giúp người nghèo có động lực chiến đấu với bệnh tật, vượt lên hoàn cảnh sống khắc nghiệt. Song song đó, tỉnh còn thực hiện tốt các chính sách bảo trợ xã hội, hỗ trợ tiền điện, trợ cấp khó khăn cho hộ nghèo.

Chính sách cứu trợ thường xuyên tại cộng đồng cho các nhóm đối tượng yếu thế, trong đó đã có nhiều người hưởng chính sách này mà thoát nghèo. “An cư lạc nghiệp” là một trong những thế mạnh mà Bình Dương đã thực hiện để giúp người nghèo nhanh chóng thoát nghèo. Đây được xem là một trong những chính sách riêng của Bình Dương không dùng kinh phí Nhà nước mà chỉ sử dụng kinh phí từ quỹ vì người nghèo ở các cấp để xây tặng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo,v.v.

Trên cơ sở những kết quả tích cực đã đạt được trong thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Trúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, các ngành, các cấp, tổ chức chính trị trên địa bàn tỉnh cần đổi mới nhận thức, cách làm, vận dụng linh hoạt các chính sách trong công tác giảm nghèo. Đồng thời tập trung rà soát các mô hình sinh kế hiệu quả, triển khai nhân rộng, chuyển giao cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; tăng cường xã hội hóa trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo… Đặc biệt, vấn đề mấu chốt là khơi dậy được ý chí, tinh thần tự lực vươn lên trong mỗi hộ nghèo.

Minh Vân