Kiến nghị loạt giải pháp

Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch, Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với một số hiệp hội, ngành hàng tại TP Hồ Chí Minh ngày 7/8.

Tại buổi làm việc trực tuyến, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh (FFA), cho biết, nhiều doanh nghiệp đang nằm trong các khu vực phong tỏa theo quy định của Thành phố nên hoạt động sản xuất, nguồn thu bị sụt giảm nghiêm trọng.

Do đó, để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này, FFA kiến nghị được các ngân hàng giãn nợ vì điều này không gây ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng do lãi suất doanh nghiệp vẫn phải đóng đầy đủ. 

Để không mất thị trường xuất khẩu, FFA rất cần hỗ trợ của Bộ Công Thương trong xúc tiến thương mại bởi dù doanh nghiệp đang nỗ lực cố gắng nhưng vẫn khó tiếp cận được thị trường vì các nước đang đóng cửa do dịch kéo dài.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị: Ngân hàng, các tổ chức tài chính Nhà nước cần giãn nợ từ 3-6 tháng cho các khoản nợ đến hạn của doanh nghiệp vì dòng tiền đang rất chậm, thậm chí đứt gãy.

Liên quan tới thực hiện "3 tại chỗ", nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ vướng mắc. Đại diện Công ty APT Sài Gòn cho biết, đơn vị này đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện "3 tại chỗ" và đề nghị Tổ công tác có ý kiến với Bộ Y tế cho phép bộ phận nào có F0 thì ngừng hoạt động, còn bộ phận khác vẫn sản xuất bình thường.

Tương tự, ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, hội đã phát động phương án "3 tại chỗ" nhưng chỉ có 35% doanh nghiệp thực hiện được. Tuy vậy trong quá trình thực hiện phát sinh nhiều vướng mắc liên quan đến vấn đề tinh thần của người lao động, xuất hiện F0 trong nhà máy. Do đó, muốn giải quyết được vướng mắc này cần phải tiêm đồng loạt vắc xin cho người lao động.

{keywords}
Doanh nghiệp kiến nghị nhiều giải pháp vượt qua Covid-19

Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh cần cho doanh nghiệp được tự test Covid-19 tại chỗ thay vì phải qua các đơn vị y tế như hiện nay. Đặc biệt, do chỉ có số ít doanh nghiệp đáp ứng "3 tại chỗ" nên lượng đơn hàng chưa xử lý được còn tồn đọng nhiều. Vậy nên phải có sự điều phối đơn hàng của những doanh nghiệp không làm được "3 tại chỗ" cho doanh nghiệp ở miền Bắc và miền Trung.

Cùng với đó, cần cấp mã QR Code cho doanh nghiệp được phép làm việc theo chế độ "3 tại chỗ", để doanh nghiệp cấp giấy đi đường cho cán bộ nhân viên của mình (kèm QR code) tạo điều kiện trong việc đi lại, giao dịch và đảm bảo hoạt động.

Để đẩy nhanh tiêm vắc xin, các doanh nghiệp kiến nghị bố trí tổ chức tiêm tại chỗ đối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có đủ điều kiện về y tế nhằm giảm tải cho các cơ sở y tế và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tổ chức tiêm phòng cho cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp.

Trong trường hợp các hiệp hội, doanh nghiệp đã liên hệ và tìm được nguồn cung vắc xin từ nước ngoài, đề nghị Bộ Y tế khẩn trương báo cáo Chính phủ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ký kết các hợp đồng cung ứng văc-xin để giúp các doanh nghiệp sớm tiếp cận nguồn vắc xin trong thời gian ngắn nhất.

Xử lý nóng các kiến nghị

Ngay tại cuộc họp, Tổ công tác đặc biệt đã kết nối với đại diện của Bộ Lao động Thương binh Xã hội tại Tp. Hồ Chí Minh để giải đáp vướng mắc cũng như hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ trả lương cho lao động.

Theo đại diện Tổ công tác đặc biệt, hiện Bộ Công Thương đã có rất nhiều công văn gửi các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp nhằm ổn định sản xuất.

Bộ Công Thương đã có công văn kiến nghị Bộ Y tế sớm bổ sung các hình thức khác cho doanh nghiệp lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp với thực tế khi tình hình dịch bùng phát nhiều nơi. Vì vậy, cần có hướng dẫn chi tiết, bổ sung quy định cho người lao động về nhà nhưng phải có cam kết giữa doanh nghiệp với địa phương, giữa người lao động với doanh nghiệp về các biện pháp an toàn phòng dịch cũng như tình huống người lao động tham gia sản xuất "3 tại chỗ" muốn dừng giữa chừng, trở về nơi cư trú sẽ xử lý thế nào...

Ngay sau cuộc họp với các hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp, Tổ công tác đặc biệt đã đề xuất một số giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương về ưu tiên tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên, người lao động của tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh

Đồng thời, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép giãn nợ đối với tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn. Trong thời hạn từ 4-6 tháng tới, doanh nghiệp không phải trả các khoản nợ đến hạn. Quy định này áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn mà không cần nộp thêm thủ tục, chứng từ chứng minh, vì bản thân các doanh nằm trong vùng dịch và đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch.

Về vấn đề lao động, các doanh nghiệp trong ngành dệt may đều đồng lòng cùng góp tay với chính quyền Tp. Hồ Chí Minh hỗ trợ người lao động để họ an tâm ở đâu thì ở yên đó, để giữ chân người lao động cho doanh nghiệp ở lại, không bị phân tán về các địa phương. Đây là vấn đề rất quan trọng để doanh nghiệp thuận lợi trở lại ổn định sản xuất sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Tổ công tác đặc biệt cũng đề nghị Bộ Công Thương cần có cơ chế tác động đến các đơn vị phân phối bán lẻ trong nước, nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu, rút ngắn thời gian thanh toán tiền hàng sớm hơn thời gian quy định trước đây từ 15 - 30 ngày rút ngắn xuống khoảng 3 ngày để doanh nghiệp có vốn lưu động, đáp ứng cho sản xuất và dự trữ.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bài và ảnh: Thu Thủy