Những năm qua, đóng góp của các văn phòng đại diện (VPĐD), phóng viên thường trú (PVTT) các cơ quan báo chí là không nhỏ, nhất trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước tại địa phương. Có thể nói, văn phòng thường trú, phóng viên thường trú chính là “cánh tay nối dài” của tòa soạn tới các vùng miền, địa phương.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt do buông lỏng quản lý nên các VPĐD, PVTT một số nơi đã để xảy ra nhiều sai sót, gây ảnh hưởng không nhỏ đến bản chất của báo chí nói chung, gây phiền toái cho doanh nghiệp và địa phương.

Trong một cuộc làm việc của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) với cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí về hoạt động của VPĐD và PVTT độc lập của cơ quan báo chí đầu năm 2018, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí khi ấy đã chỉ ra tình trạng không chỉ ở một tờ báo mà nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt là các tạp chí đã buông lỏng quản lý VPĐD.

Một số nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt sai phạm của các VPĐD đã được ông Phúc chỉ ra: Nhiều VPĐD cấp giấy giới thiệu cho cộng tác viên tràn lan, có cả loại giấy chứng nhận phóng viên, phát sinh tình trạng bán giấy giới thiệu, giấy chứng nhận; Nhiều VPĐD, PVTT hoạt động không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí;

Nhiều VPĐD có phóng viên hoạt động độc lập không thông báo với chính quyền địa phương, khi chấm dứt hoạt động Trưởng VPĐD cũng không thông báo cho ủy ban; Công tác tuyển chọn PVTT độc lập, cộng tác viên ở địa phương rất dễ dãi, không có nghiệp vụ, yếu kém về chính trị, đạo đức nghề báo...

{keywords}
Các phóng viên tác nghiệp tại sự kiện. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Khi “cánh tay nối dài” đi quấy nhiễu  

Khu vực Bắc Trung Bộ là nơi có nhiều cơ quan báo chí có VPTT, VPĐD và có hàng trăm nhà báo, phóng viên hoạt động. Đây cũng là vùng được đánh giá xuất hiện nhiều tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp, quấy rầy địa phương, giả danh nhà báo, nhà báo bị bắt vì tống tiền tổ chức, cá nhân...

Theo Sở TT&TT Nghệ An, tại đây có 61 cơ quan báo chí đại diện, thường trú và hàng trăm người làm báo hoạt động tác nghiệp trên địa bàn. 

Bà Nguyễn Nữ Lan Oanh, Trưởng Phòng thông tin báo chí (Sở TT&TT Nghệ An) cho biết, các cơ quan báo chí đại diện, thường trú trên địa bàn hoạt động tác nghiệp, đưa tin trên nhiều lĩnh vực khác nhau, phản ánh sinh động trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng… Tuy nhiên, không ít phóng viên, cộng tác viên gây nhiễu và làm ảnh hưởng đến môi trường tác nghiệp báo chí trên địa bàn.

Cũng theo bà Oanh, có thực tế, nhiều vụ việc tiêu cực khi bị báo chí phản ánh, một số PV, CTV ở báo khác vẫn còn tình trạng đến tiếp cận vụ việc để viết né tránh hoặc tiếp cận để xin làm quảng cáo trước sự cố “khủng hoảng truyền thông”.

Còn tại Hà Tĩnh, vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, thậm chí là cơ quan nhà nước có tâm lý lo sợ mỗi khi có người xưng làm nghề báo... ghé thăm. Và có không ít doanh nghiệp “ngậm bồ hòn làm ngọt” để tránh phải “đụng chạm” với báo chí.

Ở Hà Tĩnh đã xuất hiện trường hợp lợi dụng danh nghĩa báo chí để làm khó dễ doanh nghiệp, trường học, cơ quan nhà nước. Các PV, CTV thu thập thông tin sai phạm hoặc có dấu hiệu sai phạm sau đó liên hệ với chủ doanh nghiệp chia sẻ nội dung đề nghị kí hợp đồng tuyên truyền, thậm chí uy hiếp, dọa dẫm, tống tiền doanh nghiệp.

Một lãnh đạo Sở TT&TT Hà Tĩnh tâm sự, các lĩnh vực các PV, CTV thường “nắm thóp” để bắt sai phạm chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục, tài nguyên môi trường, xây dựng công trình…

Theo Sở TT&TT Hà Tĩnh, tình trạng PV, CTV một số báo, tạp chí hoạt động sai tôn chỉ mục đích, xuất hiện ngày càng nhiều. Chẳng hạn, một tờ báo của hiệp hội văn học nghệ thuật tại một địa phương nọ nhưng khi có PV, CTV hoạt động tại Hà Tĩnh thì chuyên viết bài về xây dựng cơ bản; một tạp chí của hội phân bón lại suốt ngày săm soi mỏ đất, cầu đường… không hoạt động đúng tôn chỉ.

Thống kê của Sở TT&TT Hà Tĩnh, trong khoảng 3 năm gần đây, Sở này đã lập hàng chục hồ sơ gửi Bộ TT&TT đề nghị xử lý những PV, CTV vi phạm trong hoạt động báo chí. Có trường hợp xử phạt đến hàng chục triệu đồng, buộc PV, CTV treo bút hoặc cho nghỉ việc.

Ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn

Bộ TT&TT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại địa phương; phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật tại văn phòng đại diện, phóng viên thường trú. 

Vừa qua Bộ TT&TT tiếp tục đã có văn bản đề nghị báo cáo về hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú.

Theo nội dung văn bản, thời gian qua, hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí tại các địa phương về cơ bản đã tuân thủ đúng quy định của Luật Báo chí.

Tuy vậy, vẫn còn tình trạng một số văn phòng đại diện và phóng viên thường trú hoạt động chưa đúng quy định của pháp luật về báo chí, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo hoạt động chân chính, đúng pháp luật.

Cũng theo văn bản này, ngày 10/7/2017, Bộ TT&TT đã có văn bản số 2411/BTTTT-CBC về việc chấn chỉnh hoạt động của các văn phòng đại diện và phóng viên thường trú của cơ quan báo chí. Tại văn bản này, Bộ đã yêu cầu các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú thuộc quyền, bảo đảm hoạt động đúng quy định của pháp luật về báo chí và quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Đồng thời, Bộ cũng đề nghị Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm tra, hướng dẫn văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn thực hiện đúng các thủ tục đăng ký hoạt động theo quy định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, hoặc báo cáo đột xuất về tình hình hoạt động của các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú để Bộ TT&TT xem xét, xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh theo quy định của pháp luật.

Để bảo đảm xem xét, xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh, phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước, ngày 01/9/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản số 3404/BTTTT-CBC đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở TT&TT có báo cáo đánh giá hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại địa phương định kỳ 6 tháng/lần.

Cụ thể, Bộ TT&TT yêu cầu báo cáo, cung cấp thông tin: Số liệu về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại địa phương; việc chấp hành quy định về điều kiện hoạt động; việc chấp hành quy định của pháp luật về báo chí, như: hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; tỷ lệ tin bài phản ánh những vấn đề tích cực, tiêu cực của địa phương…; đề xuất, kiến nghị liên quan đến công tác quản lý hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú.

Trước mắt, để có cơ sở xem xét, đánh giá chung về hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí trong 8 tháng năm 2020, Bộ TT&TT đề nghị các Sở TT&TT có báo cáo theo nội dung trên gửi Bộ TT&TT (qua Cục Báo chí).

Ngọc Châu