ĐBSCL có khí hậu gió mùa, nóng và ẩm với 2 mùa rõ rệt. Mỗi năm, vùng đồng bằng này nhận trung bình 2.200 - 2.500 giờ nắng, với năng lượng bức xạ mặt trời trung bình ngày 4,3 - 4,9 kWh/m2. Tiềm năng khai thác năng lượng ánh sáng rõ ràng rất lớn. Ước tính, cứ 1 m2 lắp đặt các tấm pin mặt trời có thể thu 5 kWh điện mỗi ngày. Nguồn chiếu sáng này rất ổn định với hơn 90% số ngày trong năm đều nhận được ánh sáng mặt trời đủ mạnh để vận hành các tấm thu năng lượng mặt trời.

{keywords}
Tiềm năng của ĐBSCL để đầu tư phát triển nguồn năng lượng sạch rất lớn. Từ khi Nghị quyết 120 ra đời, các tỉnh ĐBSCL đều xác định phát triển năng lượng làm mục tiêu tăng trưởng.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp - Chuyên gia kinh tế ĐBSCL nhận định, tiềm năng của vùng để đầu tư phát triển nguồn năng lượng sạch rất lớn. Vấn để là cần xây dựng quy hoạch vùng với cách tiếp cận mới, tầm nhìn chiến lược mới để sắp xếp lại không gian phát triển. Xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm mở toang cánh cửa để đón nhận các dòng đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước và quốc tế để phát triển vùng ĐBSCL một cách nhanh, bền vững.

Căn cứ trên quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo toàn quốc đến năm 2035, toàn khu vực ĐBSCL sẽ có trên 68.600MW tiềm năng điện gió và hơn 31.500MW tiềm năng điện mặt trời. ĐBSCL sẽ trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia. Hiện nhiều tỉnh, thành phố trong vùng đã đang và sẽ xây dựng các nhà máy điện với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài với số vốn lớn.

Cụ thể, mới đây nhất, tỉnh Long An cấp phép đầu tư cho Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II vốn thực hiện khoảng 3,1 tỷ USD. Dự án do Công ty Vinacapital GS Energy Pte. Ltd thực hiện đầu tư có công suất dự kiến 3.000 MW, bao gồm hai nhà máy tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất mỗi nhà máy 1.500 MW. TP. Cần Thơ cũng thu hút Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II là liên doanh đầu tư Tổng công ty CP Thương mại Xây dựng (Việt Nam) và Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản). Tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD, Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II sớm triển khai và đi vào hoạt động cùng với các dự án có liên quan, đặc biệt là ống dẫn khí Lô B - Ô Môn sẽ góp phần đưa Trung tâm điện lực Ô Môn đi vào hoạt động đồng bộ, đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia.

Với 2 dự án này, Long An và Cần Thơ nói riêng, cũng như khu vực ĐBSCL nói chung từ "vùng trũng" FDI, đã vượt qua tất cả các tỉnh thành khác trong cả nước, lần lượt dẫn đầu và đứng thứ hai về tổng vốn đầu tư ngoại đăng ký vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021, đạt 4,6 tỷ USD, chiếm gần 37,6% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.

Trước đó, từ năm 2020, với Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu do Delta Offshore Energy (Singapore) đầu tư trị giá 4 tỷ USD, với mục tiêu sản xuất điện từ khí tự nhiên hóa lỏng LNG cũng đưa vùng ĐBSCL trở thành nơi thu hút các dự án khủng đầu tư vào ngành năng lượng.

Trà Vinh là một tỉnh ven biển, lượng bức xạ trung bình năm đo được tại khu vực duyên hải đạt từ 1.700 kWh-1900 kWh/m2 với cường độ với bức xạ ngày trung bình hơn 4.9 kWh/m2. Tại xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời kết hợp nông nghiệp công nghệ cao, công suất 165 MWp, quy mô 171 ha (bao gồm 32 trạm Inverter, một trạm biến áp 2x90 MVA và hơn 440.000 tấm pin mặt trời) đã được khởi công, với tổng vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm nay.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, ước tính cả nước sẽ thiếu khoảng 6,6 tỷ kWh điện vào năm 2021; 11,8 tỷ kWh vào năm 2022 và đỉnh điểm trên 13 tỷ kWh vào năm 2023. Để bù đắp sản lượng thiếu hụt khổng lồ này, theo ước tính sẽ cần khoảng 130 tỷ USD đầu tư năng lượng mới cho đến năm 2030, tương đương mức đầu tư trung bình 12 tỷ USD/năm. Trong đó, khoảng 9 tỷ USD dành cho đầu tư nguồn điện và 3 tỷ USD đầu tư lưới điện. Với nhu cầu lớn như vậy, Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đang trở thành thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư năng lượng.

Thu Hà