Hôm 13/4/2021, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương và Tổ chức Phát triển liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Cuộc họp lần thứ 6 Nhóm Công tác kỹ thuật về Hiệu quả năng lượng. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG),

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đánh giá cao vai trò của các hoạt động về hiệu quả năng lượng trong việc góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam nói riêng và của các nước ASEAN đang tăng cao.

Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Chính phủ Việt Nam coi trọng, đã được thể chế hóa tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các văn bản dưới Luật.

{keywords}
Hôm 13/4/2021, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương và Tổ chức Phát triển liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Cuộc họp lần thứ 6 Nhóm Công tác kỹ thuật về Hiệu quả năng lượng.

Gần đây nhất, vấn đề này được nêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Chỉ thị số 20/CT-TTg về Tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025, đưa vào Tổng sơ đồ điện 8.

"Bộ Công Thương trong những năm qua đã thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với sự hợp tác và hỗ trợ của các bộ, ngành và các tổ chức quốc tế" - Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy hoạt động tiết kiệm năng lượng

Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe kết quả hoạt động của VEPG, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2019 - 2020 và định hướng năm 2021, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế thúc đẩy hoạt động tiết kiệm năng lượng, định hướng các hoạt động của Nhóm Công tác kỹ thuật về Hiệu quả năng lượng trong thời gian tới.

Trên cơ sở các bài trình bày, các đại biểu đề xuất cần đẩy mạnh sự tham gia của khu vực tư nhân vào hoạt động tiết kiệm năng lượng, đây là đối tượng chủ chốt thực hiện và có khả năng triển khai thành công các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Theo đó, trong thời gian tới cần đẩy mạnh các giải pháp về truyền thông, hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt là cần có cơ chế tài chính cụ thể để các doanh nghiệp tư nhân có thể vận dụng, chủ động thực hiện các giải pháp về tiết kiệm năng lượng.

Các đại biểu cũng thảo luận các giải pháp để gắn kết các hoạt động về tiết kiệm năng lượng với việc giảm phát thải nhà kính, trong đó xem xét đến việc thể chế hóa trong Luật Bảo vệ môi trường.

Kết thúc cuộc họp, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Chủ trì Nhóm Công tác, đã đánh giá cao các giải pháp, kiến nghị của các chuyên gia, các tổ chức và các bộ, ngành để đẩy mạnh các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là việc triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030.

Trong thời gian tới, các hoạt động của Chương trình quốc gia sẽ được triển khai rộng khắp đến các địa phương trong cả nước, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.

Các hỗ trợ và hợp tác của các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế sẽ được tận dụng tối đa để hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng các cơ chế để các đối tượng dễ vận dụng, xây dựng các mô hình thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng và doanh nghiệp.

Vào tháng 6 năm 2017, Chính phủ Việt Nam cùng các Đối tác phát triển quốc tế chính thức thành lập Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) với mục tiêu tăng cường hợp tác, đối thoại và trao đổi kinh nghiệm cũng như kiến thức cho Ngành Năng lượng của đất nước.

​Mục tiêu chung của Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) là sử dụng hiệu quả hỗ trợ quốc tế cho phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc gia và các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Huy Linh