Triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1-1-2020 của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, từng bước nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên

Triển khai Kết luận số 67-KL/TW ngày 16-12-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. UBND tỉnh đã báo cáo, đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chủ trương xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên. Để thực hiện tốt công tác hỗ trợ khởi nghiệp năm 2020, tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2020; đưa vào vận hành Không gian khởi nghiệp địa chỉ 28B Y Bih Alêô, TP. Buôn Ma Thuột. Trong đó bố trí một khu vực riêng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh; thành lập Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk với tổng số vốn góp ban đầu là 1,9 tỷ đồng.

{keywords}
Trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột

Phối hợp với SVF tổ chức thành công Hội thảo “Chắp cánh tinh thần khởi nghiệp” tại thị xã Buôn Hồ và tại huyện Lắk. Hội thảo “Đánh giá tổng quan về thực trạng hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương và định hướng xây dựng phát triển hệ sinh thái cấp tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030” và hiện tỉnh đã và đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị cho tổ chức Cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2020.

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trên địa bàn, từ đầu năm 2020, Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk đã tổ chức thành công Hội nghị gặp mặt, đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, với hơn 300 doanh nghiệp, nhà đầu tư đại diện cho gần 9.000 doanh nghiệp tham dự. Các hoạt động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp tiếp tục được UBND tỉnh quan tâm và tổ chức thường xuyên dưới nhiều hình thức như Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, Cà phê doanh nhân - doanh nghiệp, Ngày thứ Năm doanh nghiệp. Tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp về chính sách và cải cách hành chính thuế với khoảng 400 doanh nghiệp tham dự, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc về chính sách thuế cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Về tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), các cơ quan trực thuộc tỉnh đã tổ chức các khoá đào tạo về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp cho khoảng 400 học viên tham gia; tuyên truyền và tổ chức cho các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh tham gia chương trình tập huấn trực tuyến về thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh Châu Âu (EVFTA).

Về hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục triển khai nhiều chính sách ưu đãi tín dụng cho DNNVV; tập trung thực hiện tốt chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính vay được vốn ngân hàng để phục vụ sản xuất - kinh doanh. Trong tháng 6-2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, để kịp thời nắm bắt tình hình và hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại tỉnh Đắk Lắk.

Nhiệm vụ thời gian tới

Để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ sau đây:

1. Tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại các Chương trình, Kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19, Nghị quyết số 02, Nghị quyết số 35 của Chính phủ và các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV.

2. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, chú trọng hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực, nhận thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp; các cán bộ quản lý, vận hành tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp...

3. Tập trung chỉ đạo để Trung tâm phục vụ hành chính công đi vào hoạt động hiệu quả, thực chất; tránh phát sinh thủ tục phiền hà cho doanh nghiệp; tăng cường chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ hành chính công trên toàn tỉnh.

4. Chủ động nắm bắt, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, nhất là về đất đai, đầu tư, xây dựng, tín dụng, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội... Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định để các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhanh chóng thực hiện dự án.

5. Triển khai hệ thống hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế bị thiệt hại do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Lập hồ sơ, thủ tục và kịp thời xử lý gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp cho người nộp thuế theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

6. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện TTHC, công bố công khai việc giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp biết và giám sát.

Hằng Nga