LTS: Nhân kỷ niệm 145 năm Ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng (01/10/1876 - 01/10/2021), chiều 30/9/2021, tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức Toạ đàm khoa học “Huỳnh Thúc Kháng - nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng, vị lãnh đạo Nhà nước mẫu mực”.

Ngày 2/3/1946, khi trình danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến để Quốc hội chuẩn y, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giới thiệu cụ Huỳnh là “một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết”.

Tham gia Chính phủ Liên hiệp ở tuổi 70 “xưa nay hiếm”, Huỳnh Thúc Kháng – một bậc chí sĩ “học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao” đã có những đóng góp to lớn cho cách mạng, trong thời điểm vận mệnh dân tộc đứng trước tình thế “Ngàn cân treo sợi tóc”.

Nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng sinh ngày 1/10/1876, trong một gia đình nhà nho, tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam).

Nổi tiếng học giỏi, năm 1900, cụ Huỳnh Thúc Kháng đỗ đầu kỳ thi Hương, năm 1904 đỗ đầu kỳ thi Hội và đỗ Tiến sĩ trong kỳ thi Đình cùng năm. Năm 1908, do tham gia khởi xướng phong trào Duy Tân, đòi thực hiện những cải cách dân chủ, cụ Huỳnh Thúc Kháng bị chính quyền thực dân Pháp bắt, bị kết án đày ra Côn Đảo 13 năm (1908-1921).

{keywords}
Cụ Huỳnh Thúc Kháng đóng góp to lớn cho cách mạng, trong thời điểm dân tộc đứng trước tình thế “Ngàn cân treo sợi tóc”.

Năm 1926, cụ Huỳnh Thúc Kháng trúng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ và được cử làm Viện trưởng. Năm 1927, Cụ sáng lập báo Tiếng dân làm diễn đàn tiếp tục đấu tranh đòi các quyền dân chủ.

Tháng 3/1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia Chính phủ liên hiệp kháng chiến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tháng 5/1946, Cụ tham gia sáng lập và được cử làm Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam.

Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp (31/5/1946 - 20/10/1946), Cụ được tin tưởng giao đảm nhiệm cương vị Quyền Chủ tịch nước, điều hành mọi hoạt động của chính quyền cách mạng. Cuối năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng được cử làm Đặc phái viên của Chính phủ vào Trung Bộ để giải thích đường lối kháng chiến và vận động nhân dân ủng hộ Chính phủ, ủng hộ cách mạng.

Với nhiều tham luận và ý kiến phát biểu trực tiếp, từ nhiều góc độ khác nhau và bằng những luận giải khoa học, toạ đàm đã tập trung luận giải làm rõ những cống hiến, đóng góp cụ Huỳnh Thúc Kháng, một chí sĩ yêu nước suốt đời phấn đấu cho nước được độc lập, dân được hạnh phúc, tự do.

Các tham luận đều thống nhất khẳng định, những năm đầu thế kỷ XX, cụ Huỳnh Thúc Kháng - nhà chí sĩ yêu nước chân chính, nhiệt thành, đã có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần mở ra một con đường cứu nước mới của dân tộc. Khẳng định rõ cống hiến của cụ Huỳnh Thúc Kháng thời kỳ tham gia lãnh đạo Chính phủ cách mạng sau khi Cách mạng Tháng Tám - 1945 thành công, tham luận tại toạ đàm, các đại biểu cho biết, với những hoạt động không mệt mỏi, cụ Huỳnh Thúc Kháng – vị lãnh đạo nhà nước tài năng, là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt góp phần chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. 

Tham gia Chính phủ, đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã dồn hết tâm lực và trí tuệ chỉ đạo giải quyết nhiều công việc nội chính quan trọng, góp phần xây dựng và giữ gìn trật tự, kỷ cương xã hội mới.

Đặc biệt, đáp lại niềm tin tưởng tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quốc dân, đồng bào, trong thời gian đảm nhiệm cương vị Quyền Chủ tịch nước, theo phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã chỉ đạo giải quyết đúng đắn nhiều công việc quan trọng về đối nội và đối ngoại của đất nước, làm thất bại những âm mưu chống phá của các lực lượng phản động, bảo vệ, giữ vững thành quả cách mạng. Khi được cử làm Đặc phái viên Chính phủ tại Trung Bộ, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã hết sức chú trọng tuyên truyền, giải thích và động viên, kêu gọi toàn dân ủng hộ Chính phủ, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện thắng lợi đường lối kháng chiến, kiến quốc.

Sau Cách mạng Tháng Tám, để giải quyết những khó khăn, thách thức của cách mạng, yêu cầu khách quan là phải củng cố và phát huy hơn nữa sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Do đó, cùng với Mặt trận Việt Minh, cần phải có một hình thức tập hợp, tổ chức lực lượng mới. Ngày 29/5/1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) được thành lập tại Hà Nội nhằm tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân vào khối đại đoàn kết dân tộc. Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một trong những người tham gia sáng lập và được tín nhiệm cử làm Hội trưởng Hội Liên Việt. Trên cương vị này, Cụ đã dốc hết nhiệt tâm của mình góp phần mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong bối cảnh những lực lượng phản động luôn tìm cách chống phá chính quyền cách mạng, ngày 16/7/1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã tổ chức cuộc họp báo tại Hà Nội nêu rõ đoàn kết là cần thiết để tập hợp lực lượng kiến thiết nước nhà, để ủng hộ ngoại giao, để xây dựng nền dân chủ cộng hòa; nhưng đoàn kết phải trên tinh thần chân thành, thật thà đoàn kết; không thể vin vào hai chữ đoàn kết mà làm những việc phi pháp, có hại đến đoàn kết toàn dân. Sự linh hoạt, khéo léo về sách lược, nhưng đầy cương trực, cứng rắn về nguyên tắc của Cụ đã góp phần giữ yên tình hình xã hội, đoàn kết nhân tâm trong nước.

Phương Liên