Hệ thống pháp luật trong nước về người khuyết tật

Việc ký kết tham gia Công ước (ngày 22-11-2007) đã thể hiện được tinh thần, ý thức trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam đối với việc bảo đảm, thực thi quyền con người, quyền của người khuyết tật. 

{keywords}
Việc ký kết tham gia Công ước (ngày 22-11-2007) đã thể hiện được tinh thần, ý thức trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam đối với việc bảo đảm, thực thi quyền con người, quyền của người khuyết tật.

Sự kiện Việt Nam ký tham gia Công ước, toàn bộ tinh thần, nội dung quy định của Công ước đã ảnh hưởng tích cực đến việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về người khuyết tật ở Việt Nam.

Luật Người khuyết tật năm 2010 ra đời thay thế cho Pháp lệnh Người tàn tật năm 1998 là bằng chứng thể hiện bước chuyển lớn lao, khá căn bản về nhận thức và hành động thực tế của Nhà nước và xã hội Việt Nam đối với vấn đề người khuyết tật. Đó là chuyển từ cách thức tư duy nhìn nhận vấn đề người khuyết tật như việc nhân đạo, từ thiện sang tư duy về người khuyết tật trên cơ sở quyền con người.

Quá trình tổng kết, đánh giá các quy định và thực tiễn thi hành Pháp lệnh về người tàn tật năm 1998 để xây dựng và ban hành Luật Người khuyết tật năm 2010 cũng thể hiện rõ được quá trình rà soát, đánh giá hệ thống các quy định có liên quan đến người khuyết tật. Ở thời điểm đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có báo cáo chính thức tổng kết tình hình thi hành Pháp lệnh về người khuyết tật làm cơ sở cho việc nghiên cứu xác định nội dung chính sách pháp luật trên lĩnh vực người khuyết tật nói chung và việc xây dựng Luật Người khuyết tật nói riêng.

{keywords}
Trao tặng xe lăn cho người khuyết tật.

Chính vì vậy, có thể nói, tuy chưa phê chuẩn Công ước nhưng với tinh thần là nước đã ký kết tham gia Công ước nên về cơ bản Luật Người khuyết tật năm 2010 của Việt Nam được đánh giá là khá tương thích với Công ước về quyền của người khuyết tật.

Tăng cường tuyên truyền, chia sẻ thông tin

Tuy nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống người dân Việt Nam, đặc biệt là người khuyết tật còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; bản thân nhiều người khuyết tật cũng còn nặng tâm lý tự ti, nhận thức về xã hội và chính mình còn nhiều hạn chế. Công tác tuyên truyền, giáo dục về quyền con người, quyền công dân, về vấn đề khuyết tật ở Việt Nam chưa có hiệu quả cao, ảnh hưởng không nhỏ đến tính chủ động tích cực của cộng đồng, các nhóm xã hội, cũng như các cá nhân.

Do vậy, để phát huy các yếu tố thuận lợi trong nước cũng như quốc tế, khắc phục những khó khăn nhằm hiện thực hoá quyền của người khuyết tật, khi Việt Nam trở thành thành viên Công ước, chúng ta cần thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Một là, sớm hoàn thiện chính sách pháp luật người khuyết tật Việt Nam trên cơ sở quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như tinh thần Công ước về quyền của người khuyết tật. Chính sách, pháp luật người khuyết tật là những chủ trương, nguyên tắc chủ đạo của Nhà nước về xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật và các giải pháp thực hiện các chủ trương, nguyên tắc đó.

{keywords}
Luật Người khuyết tật năm 2010 ra đời thay thế cho Pháp lệnh Người tàn tật năm 1998 là bằng chứng thể hiện bước chuyển lớn lao, khá căn bản về nhận thức và hành động thực tế của Nhà nước và xã hội Việt Nam đối với vấn đề người khuyết tật.

Vai trò của chính sách, pháp luật là cơ sở chính trị - pháp lý để soạn thảo, ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm quyền của người khuyết tật. Chính sách, pháp luật người khuyết tật phải đặt trong tổng thể hệ thống chính sách pháp luật của Nhà nước và là bộ phận không thể tách rời của toàn bộ chính sách pháp luật nói chung.

Mặt khác, tư tưởng, nguyên tắc chính sách, pháp luật người khuyết tật cũng phải được lồng ghép sâu sắc trong nội dung chính sách pháp luật của tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Hai là, cần nghiên cứu sâu sắc, đầy đủ các quy định của Công ước để tiếp nhận, nội luật hoá một cách đầy đủ, toàn diện các quyền của người khuyết tật theo lộ trình thích hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đồng thời quán triệt đầy đủ nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước để sớm xác định chủ động việc thực thi nghiêm chỉnh các nghĩa vụ này.

Ba là, phát huy quan hệ hợp tác quốc tế tốt đẹp, hiệu quả giữa Việt Nam với các quốc gia thành viên Công ước, với các tổ chức quốc tế trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, nhất là vai trò tích cực của các tổ chức vì và của người khuyết tật ở các quan hệ trong nước cũng như quốc tế.

Bốn là, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về quyền con người, quyền của người khuyết tật nhằm nâng cao nhận thức xã hội về vấn đề này. Tinh thần chung và các quy định cụ thể của Công ước về quyền của người khuyết tật phải được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong cộng đồng xã hội, đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, các cán bộ công tác xã hội về người khuyết tật.

Trần Hằng