Việc chính thức áp dụng bộ chỉ số chuyển đổi số đã cho thấy sự thay đổi ngay từ cách tiếp cận, từ việc coi trọng ứng dụng công nghệ thông tin – vốn do thói quen coi công nghệ thông tin như là công cụ ứng dụng - chuyển sang chuyển đổi số một cách toàn diện. Với cách tiếp cận này, công nghệ số sẽ được tham gia vào mọi mặt của quản lý nhà nước cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ chỉ số chuyển đổi số không chỉ được đánh gia bởi các chuyên gia của Bộ mà còn mở rộng sự tham gia của các bên. Trong phương pháp đánh giá, người dân và các chuyên gia cũng có thể chấm điểm.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm.

Việc sử dụng các đánh giá của bên ngoài là yếu tố đảm bảo việc đánh giá khách quan hơn, toàn diện hơn. Số lượng các chỉ số đánh giá năng lực và kết quả theo phương pháp tính KPI - chú trọng việc thực hiện - đã tăng hơn so với các phương pháp cũ nặng về chỉ số cơ sở hạ tầng thông tin, về thông tin đầu vào mà chưa phản ánh tốt cũng như phản ánh đủ kết quả đầu ra.

Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, cấp bộ nhằm theo dõi, đánh giá, xếp hạng một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hằng năm của các tỉnh, các bộ. Trong khi đó, chỉ số chuyển đổi số cấp quốc gia nhằm cung cấp thông tin về kết quả chuyển đổi số chung của cả nước để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phục vụ các cơ quan, tổ chức liên quan cũng như cho các tổ chức quốc tế sử dụng khi đánh giá các chỉ số toàn cầu (EGDI, IDI, GCI 4.0, GII, GCI)”.

Chỉ số này được cấu trúc theo 3 trụ cột gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Mỗi trụ cột gồm 7 chỉ số chính: chỉ số đánh giá về chuyển đổi nhận thức, chỉ số đánh giá về kiến tạo thể chế, chỉ số đánh giá về phát triển hạ tầng và nền tảng số, chỉ số đánh giá về thông tin và dữ liệu số, chỉ số đánh giá về hoạt động chuyển đổi số, chỉ số đánh giá về an toàn an ninh mạng, chỉ số đánh giá về đào tạo và phát triển nhân lực. Mỗi chỉ số chính có những chỉ số thành phần khác nhau và trong mỗi chỉ số thành phần có các tiêu chí.

Về lâu dài, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sử dụng Bộ chỉ số chuyển đổi số này để theo dõi, đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.

Theo kết quả đánh giá mức độ ứng dụng CNTT năm 2019, về tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng không thay đổi nhiều so với các năm trước. Thừa Thiên- Huế và Đà Nẵng tiếp tục đứng ở vị trí đầu bảng.

Một số tỉnh có sự thay đổi tích cực về vị trí xếp hạng như An Giang (xếp thứ 7), Bắc Kạn (thứ 16), Bắc Ninh (thứ 17)… Nguyên nhân là các tỉnh đã triển khai tốt các hạng mục ứng dụng CNTT, đặc biệt là đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, nhìn chung, chỉ số mức độ ứng dụng CNTT trung bình của khối Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (CQCP), tỉnh thành phố trong năm 2019 tăng so với năm trước. Trong đó, khối Bộ tăng nhiều nhất.

Khối này đã đạt 0,82 điểm trong năm 2019 từ mức 0,69 điểm năm trước, tăng 0,13 điểm. Khối CQCP và tỉnh thành phố chỉ tăng lần lượt 0,05 và 0,07 điểm. Báo cáo cho biết, tất cả chỉ số thành phần trung bình của các Bộ cơ quan ngang Bộ năm 2019 đều tăng so với năm 2018. Xếp hạng top đầu về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của Bộ, cơ quan ngang Bộ năm 2019 không thay đổi so với năm ngoái, lần lượt là Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Một số đơn vị có thay đổi về vị trí xếp hạng, lý do chính là có sự biến động về mức độ cung cấp DVCTT mức độ 3,4, đặc biệt là DVCTT mức độ 4.

Phan Thân, Hồng Khanh