Và để mọi công dân được bảo đảm quyền này, khoản 2 Điều 59 Hiến pháp quy định: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”.

 

Kết nối hai quy định này trong Hiến pháp 2013, có thể khẳng định rằng, đây là các quy định thể hiện bước phát triển tiến bộ về quyền của công dân về an sinh xã hội nói chung và về BHXH nói riêng, nhằm tạo sự bình đẳng về cơ hội tham gia cũng như sự thụ hưởng của mọi thành viên trong xã hội.

Người dân được hưởng lợi nhờ quyết sách nhân văn

Mỗi bệnh nhân khi đến khám chữa bệnh tại bệnh viện đều mang trong mình một tâm trạng đó là chi phí điều trị bệnh và gánh nặng kinh tế, tuy nhiên với việc tham BHYT, người dân có thể giảm bớt được nỗi lo đó để yên tâm điều trị. Thậm chí, BHYT còn là cứu cánh, mang lại cơ hội sống cho người bệnh đặc biệt là những người có thu nhập thấp khi mắc bệnh hiểm nghèo và chiếc thẻ BHYT chính là “phao cứu sinh” cho bệnh nhân.

{keywords}
Ảnh minh họa

Nếu không có thẻ BHYT, phải gánh thêm khoản tiền điều trị, chắc chắn tôi đã không thể sống đến ngày hôm nay”. Đó chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Tuyến, bệnh nhân của Khoa Lọc máu (Bệnh viện Bà Rịa).

Nằm một mình trên giường bệnh tại Khoa Lọc máu (BV Bà Rịa), xung quanh chằng chịt dây truyền lọc máu, ông Nguyễn Trọng Tuyến trải lòng, “vợ mất 15 năm nay, con trai duy nhất thì đi làm ăn xa, kinh tế cũng khó khăn”. Dù mang trọng bệnh, ông Tuyến còn phải chăm lo cho bố mẹ già, cuộc sống càng chật vật. Vì vậy, tấm thẻ BHYT như “bùa hộ mệnh”, giúp ông giảm nhiều chi phí khám chữa bệnh.

Hiện tại, mỗi tuần ông Tuyến phải đến bệnh viện lọc máu 3 lần. “Tôi chỉ phải lo tiền đi lại, mua thuốc bổ để tăng cường sức khỏe, tháng hết khoảng 2 triệu đồng. Nếu không có thẻ BHYT, phải gánh thêm khoản tiền điều trị, chắc chắn tôi đã không thể sống đến ngày hôm nay”, ông Tuyến xúc động.

Bà Ngô Thị Ngọc (ngụ xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) đang chăm sóc chồng - anh Huỳnh Ngọc Anh (47 tuổi) điều trị bệnh nhồi máu cơ tim tại Khoa Tim mạch (BV Bà Rịa) chia sẻ: “May có BHYT, nếu không thì chi phí điều trị gia đình không gánh nổi”. Chìa tờ giấy liệt kê các khoản được BHYT chi trả, bà Ngọc kể: Chồng tôi nhập viện do nhồi máu cơ tim vào tối 28/11, trong tình trạng ngưng thở nên bác sĩ cấp cứu và chỉ định phải mổ gấp. Ông được chỉ định đặt stent nong động mạch vành. Chi phí đặt stent mỗi lần lên đến 40 triệu đồng, nhưng mức phí này được BHYT cho trả ở mức 80% là 36 triệu đồng (cho lần đặt stent đầu). “Với mức chi phí như vậy, nếu không có BHYT, đồng lương công nhân vợ chồng không gồng gánh nổi”, chị Ngọc cho biết.

01/11/2020 là ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời của ông Trần Viết Quyến (thôn Hùng Xuân 1, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai). Đây là ngày mà ông chính thức được nhận lương hưu hàng tháng và được cấp thẻ BHYT miễn phí trọn đời nhờ việc tham gia BHXH tự nguyện.

Ông Trần Viết Quyến nguyên là nhân viên bảo vệ trường THPT số 2 huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Tính đến tháng 10/2019, ông đã tham gia BHXH bắt buộc tại trường được 12 năm 01 tháng, do tuổi đã cao, ông không nghỉ công việc bảo vệ tại trường.

Sau khi nghỉ việc, ông Quyết mong muốn được thanh toán chế độ BHXH một lần, tuy nhiên, khi được cán bộ truyền thông của BHXH huyện Bảo Thắng phân tích tính ưu việt từ chính sách BHXH tự nguyện như: Với trường hợp của ông Quyến, ông đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH có thể đóng tiếp BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu và được cấp thẻ BHYT hưu trí miễn phí với quyền lợi khám chữa bệnh được chi trả 95%, thậm chí thời gian ông tham gia đóng BHXH tự nguyện sẽ được Nhà nước hỗ trợ 10% mức đóng trong 10 năm đầu, ông Quyến đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện và lựa chọn phương thức đóng BHXH 1 lần cho những năm còn thiếu (7 năm 11 tháng) với số tiền là: 96.460.355 đồng cho đủ 20 năm đóng BHXH để đủ điều kiện được hưởng lương hưu. Ngày 01/11/2020, ông Trần Viết Quyến đã chính thức được nhận lương hưu hàng tháng và được cấp thẻ BHYT hưu trí miễn phí đến trọn đời.

Cầm trên tay quyển sổ hưu và tấm thẻ BHYT, ông Quyết hiện rõ niềm vui trên khuôn mặt và chia sẻ: “Được hưởng lương hưu hàng tháng, tôi cảm thấy rất yên tâm vì có thể tự mình trang trải chi phí cho cuộc sống, không phải phụ thuộc hay trở thành gánh nặng cho gia đình, con cháu, lại có thẻ BHYT hỗ trợ thanh toán tiền khám, chữa bệnh khi chẳng may sức khỏe yếu đi không lao động được nữa.

Trong những năm qua, hàng triệu người lao động mất việc đã được Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ một phần thu nhập giúp ổn định cuộc sống, cũng như được giới thiệu, đào tạo nghề để sớm quay lại thị trường lao động. Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh thị trường lao động có nhiều biến động do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, bảo hiểm thất nghiệp đã thật sự phát huy vai trò và hiệu quả. Đến thời điểm 31/12 năm nay, ước tính, số người thất nghiệp có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp khoảng 1,03 triệu người.

Sự ưu việt của chế độ và con đường phát triển của Việt Nam là đúng

{keywords}
Ảnh minh họa

Nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của BHXH Việt Nam trong hệ thống an sinh xã hội và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, nhiều nước vì sức ép tăng trưởng kinh tế nên thường không chú ý vấn đề môi trường, xã hội, đặc biệt là các lưới an sinh xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa. Đến lúc nhận ra thì các nước này phải mất hàng chục năm để giải quyết ô nhiễm môi trường, và hàng thế hệ để khắc phục những bất cập xã hội. Tuy nhiên, ngay từ đầu, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm, thành quả phát triển nhiều hơn cho người dân, nhất là các đối tượng yếu thế. Vì vậy, dù thu nhập bình quân GDP theo đầu người tính theo sức mua của Việt Nam mới ở khoảng 100, nhưng các chỉ số liên quan đến giáo dục, văn hóa, xã hội… thấp nhất cũng khoảng ở vị trí 70 đến 80, đặc biệt năm 2020 chỉ số phát triển bền vững của chúng ta xếp thứ 49.

Điều đó thể hiện sự ưu việt của chế độ và con đường phát triển của Việt Nam là đúng, tương đồng với 17 nhóm tiêu chí và 169 tiêu chí cụ thể của Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc thể hiện khát vọng chung của nhân loại như: Xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển kinh tế, chăm lo cho tất cả mọi người đặc biệt là những người yếu thế, bảo vệ thiên nhiên, môi trường…

Chính sách BHXH tự nguyện được triển khai thực hiện từ năm 2008 nhằm tạo cơ hội cho người lao động ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH. Trên thực tế, sau 10 năm triển khai, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Tuy nhiên, ngày 23-5-2018, sau khi Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH cùng với định hướng thực hiện "BHXH toàn dân" và Nghị quyết số 102/NQ-TW ngày 3-8-2018 của Chính phủ thực hiện giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho UBND tỉnh, thành phố; coi đó là chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, công tác phát triển BHXH tự nguyện đã có sự bứt phá rõ rệt. Năm 2018, cả nước có hơn 277 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, tăng gần 53 nghìn người, tương ứng tăng 23,6% so năm 2017. Năm 2019, con số đã tăng lên gần 574 nghìn người, tăng gần 297 nghìn người, tương ứng tăng 107,1% so với năm 2018, chiếm 1,17% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Ðặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới trong năm 2019 đã bằng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện phát triển được của cả 11 năm trước cộng lại.

{keywords}
Người dân được hưởng lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội

Ðể có được kết quả đó, BHXH Việt Nam nỗ lực triển khai nhiều giải pháp với quyết tâm đưa Nghị quyết số 28 vào cuộc sống. Việc thiết kế chính sách BHXH tự nguyện đã có những thay đổi và thuận lợi hơn rất nhiều cho người tham gia. Hiện nay, chỉ cần là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không giới hạn trần tuổi là có thể tham gia BHXH tự nguyện. Các phương thức đóng đa dạng và linh hoạt, nới rộng thời điểm đóng. Quy định mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện cũng phù hợp hơn. Từ ngày 1-1-2018, người tham gia BHXH tự nguyện còn được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.

Về tổ chức thực hiện, thời gian qua, BHXH Việt Nam tăng cường phối hợp các cơ quan liên quan; nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Tham gia đề xuất hoàn thiện chính sách cho phù hợp tình hình thực tiễn; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho người tham gia, thụ hưởng chính sách. Ðổi mới, tăng cường công tác truyền thông, nhất là trên môi trường mạng xã hội, khuyến khích mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành BHXH là một tuyên truyền viên để giới thiệu, vận động người dân tham gia...

Ðặc biệt, tháng 5 hằng năm đã được chọn là Tháng Vận động triển khai BHXH toàn dân theo Quyết định số 1676/QÐ-TTg ngày 21/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ, đây là cơ hội tốt để BHXH Việt Nam và các ngành liên quan tập trung tuyên truyền trong tháng cao điểm. Lễ ra quân Tháng Vận động triển khai BHXH toàn dân với chủ đề "Chính sách BHXH - điểm tựa an sinh của người lao động và nhân dân" và lễ ra quân hưởng ứng Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam - Tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình do BHXH Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức tháng 5 và tháng 7/2020 vừa qua đã trực tiếp vận động được gần 134 nghìn người, trong đó, có gần 63 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, hơn 71 nghìn người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Con số trên đã khẳng định niềm tin của người lao động và nhân dân đối với chính sách an sinh xã hội ưu việt của Ðảng và Nhà nước ta.

Thủy Nguyễn