Nhóm hàng có nhiều dư địa xuất khẩu

Trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng của COVID-19, so với số liệu cùng kỳ 2020, có thể thấy, trong khi giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Anh giảm nhẹ thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt tăng trưởng khoảng 15%.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, lợi ích thương mại của UKVFTA đối với Việt Nam là rất lớn. Nhờ UKVFTA, hầu hết các sản phẩm Việt Nam được Anh miễn thuế nhập khẩu ngay lập tức hoặc theo lộ trình giảm thuế khá nhanh (1 năm, 3 năm, 5 năm, 7 năm hoặc 8 năm).

Các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu không hạn ngạch ngay lập tức gồm: Cà phê, chôm chôm, xoài, vải nhãn, thanh long, dừa... Các sản phẩm tôm, cá ngừ, cá xay, gạo thơm, tinh bột sắn và một số nông sản khác cũng được miễn thuế theo hạn ngạch. Các sản phẩm công nghiệp được miễn thuế ngay gồm: Túi xách, ví, cặp, vali, giày bảo hộ và giày thể thao, hàng dệt may.

Theo cam kết trong UKVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên nhập khẩu vào Anh được giảm từ mức thuế cơ bản 10-20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Với mặt hàng hoa quả, khi Hiệp định có hiệu lực hơn 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả có mức thuế suất 0%.

Bên cạnh nông, thủy sản, xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là nhóm hàng được dự báo sẽ có mức tăng trưởng ấn tượng trong thời gian tới.

{keywords}
Nhiều mặt hàng nông sản có cơ hội xuất khẩu sang thị trường Anh (Ảnh:Bảo An)

Với mặt hàng gạo, thị trường gạo của Anh có nhu cầu nhập khẩu mỗi năm trên 670 nghìn tấn. Mặc dù Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Anh vẫn ở mức khiêm tốn, chiếm chưa tới 0,3% thị phần.

Một nhóm hàng khác được kỳ vọng tạo ra lợi thế lớn cho Việt Nam trong xuất khẩu là các sản phẩm đồ gỗ và sản phẩm mây tre đan xuất khẩu. Theo Bộ Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai Len, đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu sang Anh có khả năng cạnh tranh nhờ chi phí thấp, nguyên liệu tốt, chất lượng sản phẩm cao.

Tương tự với mặt hàng dệt may, dù hàng năm Việt Nam xuất khẩu đạt tới hàng chục tỷ USD (35,2 tỷ USD năm 2020) song hiện kim ngạch sản phẩm dệt may Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Anh mới chiếm chưa tới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Khi UKVFTA có hiệu lực, các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% theo lộ trình sau 4 - 8 năm, trong đó một số sản phẩm có thể sẽ ngay lập tức về 0% (từ mức 12%).

Doanh nghiệp Việt làm gì

Nhận định về tiềm năng của UKVFTA với ngành dệt may, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang nhấn mạnh, cùng với các FTA khác như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), EVFTA, UKVFTA sẽ tạo ra cho ngành dệt may nền tảng thương mại vững chắc hơn và có sự tương hỗ lẫn nhau.

Ngành dệt may Việt Nam có thể đa dạng hóa nguồn nguyên liệu nhờ việc nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc để xuất khẩu sang Anh, EU mà vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi. Đây là thế mạnh mà nhiều nước trong khu vực ASEAN không có. Tuy nhiên, cơ hội mở ra luôn song hành cùng thách thức. Các tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía Anh rất cao.

Ông Vũ Đức Giang cho hay: "Để tận dụng được cơ hội mở ra tốt hơn nữa, doanh nghiệp cần chuyển hướng nhập khẩu nguyên phụ liệu, sử dụng các nguyên liệu sản xuất trong nước, đẩy mạnh tính liên kết, hợp tác. Ngoài ra, các yếu tố về rào cản kỹ thuật, lao động, môi trường... cũng cần được tiếp cận, tuân thủ để hưởng ưu đãi khi xuất khẩu".

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh Nguyễn Cảnh Cường khuyến nghị, để thụ hưởng và tận dụng được các ưu đãi từ UKVFTA, các DN phải đáp ứng được yêu cầu chất lượng và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn EU hoặc tiêu chuẩn UK. DN Việt Nam còn có thể học hỏi từ chính đối thủ cạnh tranh của mình thông qua các website của họ hoặc thông qua các nền tảng thương mại điện tử lớn như Amazon, Alibaba

“DN Việt Nam dù có sản phẩm tốt nhưng nếu không có website chuyên nghiệp bằng tiếng Anh sẽ không có cơ hội tiếp cận các nhà nhập khẩu Anh. Bên cạnh đó, việc tham dự các hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế chuyên ngành để giới thiệu sản phẩm mẫu cũng là một phương thức tiếp cận khách hàng hiệu quả” - ông Nguyễn Cảnh Cường khẳng định.

Hiện nay, các siêu thị và tập đoàn bán lẻ lớn của Anh quốc có xu hướng đặt hàng trực tiếp của nhà sản suất uy tín để đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm sự sáng tạo, cũng như để kiểm soát tốt hơn nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Các DN Việt Nam có thể đăng ký để trở thành nhà cung cấp cho các siêu thị lớn của Anh quốc thông qua hướng dẫn trên website của họ.

Vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Anh đã cùng 4 chuyên gia thị trường sở tại biên soạn một cuốn sách điện tử ‘'Thị trường Anh: Những điều cần biết'’. DN quan tâm đến thị trường Anh có thể download miễn phí trên link https://vnuk.vn/. Trong thời gian tới, Thương vụ sẽ tích cực tiếp cận các nhà nhập khẩu sở tại để quảng bá sản phẩm Việt Nam và hỗ trợ các DN Việt Nam có uy tín tiếp cận thị trường Anh.

Riêng với nông sản, cần lưu ý, các tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía Anh rất cao. Họ kiểm soát rất chặt chẽ việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón và các sản phẩm hóa chất dùng trong nông nghiệp.

Ngoài ra, nhãn mác cho thực phẩm phải đảm bảo tính xác thực (thực phẩm khớp với mô tả). Việc ghi nhãn được quy định để bảo vệ người tiêu dùng. Sản phẩm khác nhau có yêu cầu nhãn mác khác nhau. Chẳng hạn, với nhãn mác cho thực phẩm đóng gói sẵn, trên bao bì phải ghi rõ tên thực phẩm, danh mục thành phần (phải liệt kê tất cả thành phần theo thứ tự trọng lượng).

Lê Na