Số hoá du lịch nông thôn sẽ thu hút thêm du khách 

Tại diễn đàn "Xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số" sáng 2/10, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhận định, du lịch nông thôn đóng vai trò quan trọng trong tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, trong tổ chức không gian, kết nối với đô thị và các trung tâm du lịch, góp phần mở rộng phạm vi không gian và kéo dài thời gian lưu trú của khách.

Nông thôn Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú. Văn hóa truyền thống, bản sắc cộng đồng, cảnh quan hoang sơ... là những yếu tố quan trọng để hình thành điểm đến và sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn du khách.

Theo ông Trần Thanh Nam, phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những động lực đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường. Cùng với đó góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu chính trị quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.

“Hiện du lịch nông thôn đang là xu thế, cần khai thác hiệu quả, điều cần làm là kết nối và quảng bá sản phẩm cho các địa phương”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) cho biết, hiện du lịch nông thôn, sinh thái chiếm khoảng 10% tỷ lệ du lịch và cho doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm trên toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng của du lịch nông thôn hàng năm vào khoảng 10-30%.

{keywords}
Nông thôn Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú để phát triển du lịch (ảnh: Trần Thế Cường)

Việt Nam hiện có 3 loại hình du lịch nông thôn gồm: du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Cả nước có khoảng 365 điểm du lịch nông thôn và hơn 2.000 làng nghề truyền thống có tiềm năng về du lịch.

Ông Ngọc cho rằng, việc chuyển đổi số trong du lịch nông thôn sẽ giúp thu hút thêm du khách, hỗ trợ du khách chuẩn bị chuyến đi dễ dàng hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn và nắm được hành vi của khách hàng.

Để phát triển du lịch nông thôn, ông đề xuất cho phép kết hợp với các tổ chức quốc tế để xúc tiến và quảng bá các sản phẩm du lịch nông thôn của Việt Nam. Đồng thời cho phép Vietcraft phối hợp với Bộ NN&PTNT, một số tỉnh thực hiện xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số cho 6 mô hình tiêu biểu. Bao gồm mô hình du lịch cộng đồng; du lịch nông nghiệp; du lịch sinh thái gắn với các khu bảo tồn, vườn quốc gia; du lịch làng nghề; du lịch làng thông minh; và du lịch không phát thải.

Ông Ngọc cũng đề xuất Bộ NN&PTNT, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho phép và phối hợp thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa Quốc gia các giá trị văn hóa vật thể và phí phục vụ phát triển du lịch của 54 dân tộc Việt Nam để đạt mục tiêu đến năm 2025 có 50% làng nghề truyền thống tham gia vào chuỗi giá trị du lịch nông thôn.

Lập bản đồ số du lịch, quảng bá trên không gian ảo

Theo bà Nhữ Thị Ngần,Tổng giám đốc Hanoi Tourism, công ty khai thác phần lớn khách hàng là từ công nghệ số. Tuy nhiên, thực tế triển khai, công ty gặp một số khó khăn trong việc phát triển du lịch nông thôn.

Khảo sát trên khoảng 11.000 khách hàng của đơn vị này cho thấy, rất nhiều người quan tâm đến du lịch tại vùng xanh, nông thôn. Họ sẵn sàng du lịch ngay sau giãn cách. Điều chúng ta cần là tạo ra sản phẩm thực sự hấp dẫn.

Song, để khai thác bền vững các giá trị du lịch nông thôn, bà Ngần kiến nghị cơ quan quản lý phối hợp chặt chẽ, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển những giá trị thặng dư như truy xuất được nguồn gốc đặc sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm bán đồng giá…

“Chúng ta phải giữ được bản sắc và tạo thói quen để người dân kết nối qua thực tế ảo, không gian mạng. Địa phương cần xây dựng chương trình đào tạo cho bà con, tránh tình trạng ‘bê tông hóa’ kiến trúc, văn hóa”, bà Ngần nhấn mạnh.

Theo ông Trần Thanh Hùng, Chủ nhiệm Hội quán Cùng nhau làm du lịch tại TP Sa Đéc, hiện các thành viên hội quán đã sẵn sàng quay lại hoạt động sau dịch Covid-19, phối hợp với các đối tác để kích cầu du lịch và tập huấn cho nhân viên, hướng dẫn viên về kỹ năng phục vụ trong tình hình mới. Ngoài ra, hội quán đã ứng dụng công nghệ số trong quảng cáo, đưa marketing lên các mạng xã hội lớn như Booking, Traveloka, Airbnb… và ứng dụng công nghệ vào thanh toán, hậu mãi.

Ông Hùng cho biết, trong tương lai, hội quán kiến nghị các cơ quan chức năng xây dựng bản đồ số về du lịch, tạo các cột wifi miễn phí để giúp du khách tăng khả năng tương tác, quảng bá trên mạng xã hội khi du lịch tại địa phương.

Về xây dựng bản đồ du lịch trên nền tảng công nghệ số, Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ sự ủng hộ và cho biết sẽ có những đề án riêng về vấn đề này.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Saigon Asset cho rằng, cần xây dựng một nền tảng chung, trang thông tin kết nối tất cả điểm lẻ, cộng với ứng dụng công nghệ mới là công nghệ thực tế ảo và app thì mới hỗ trợ tốt cho quảng bá các sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Phía doanh nghiệp cũng tham vọng xây dựng bản đồ quốc gia tập trung hoá tất cả thông tin chuyên trang du lịch nông nghiệp - nông thôn, trong đó phân nhóm từng vùng phát triển. Đầu tiên là chọn tỉnh nào đó để làm mô hình mẫu, sau đó đến vùng địa lý, miền địa lý và cấp quốc gia.

Ngoài ra, cần bổ sung thêm một trang thông tin xúc tiến quảng bá du lịch nông sản. Nó là hội chợ nông sản thực tế ảo được tích hợp trong một văn phòng thật đặt tại các tỉnh. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng có một hội chợ thực tế ảo, từ đó kết nối các đơn vị lữ hành, địa phương và người dân để cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Tương tự, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng cho rằng, cần tích hợp, liên thông, chia sẻ thông tin, phát triển các ứng dụng dùng chung cho phát triển du lịch nông thôn trên cơ sở kế thừa những nội dung đã có từ ngành du lịch, nông nghiệp nông thôn, hướng tới sự thống nhất chung, tránh chồng chéo, gây lãng phí tài nguyên.

Theo đó, xây dựng các ứng dụng công nghệ cho du lịch nông thôn cần có sự gắn kết với tổng thể du lịch Việt Nam, với khu vực đô thị và trung tâm gửi khách. Từ đó tạo ra mạng lưới sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn khách du lịch, hỗ trợ cho khai thác hiệu quả du lịch nông thôn.

Ông nhận định, để phát triển du lịch nông thôn chuyên nghiệp, hiệu quả cần có chính sách thu hút khu vực tư nhân đầu tư cho phát triển công nghệ nói chung và ứng dụng công nghệ phát triển du lịch ở nông thôn nói riêng, thu lực lượng thanh niên nông thôn được đào tạo về công nghệ, du lịch trở lại phục vụ quê hương.

Tổng cục Du lịch đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ thí điểm xây dựng mô hình Làng du lịch thông minh tại những nơi có điều kiện phát triển. Ưu tiên phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cho khu vực được thí điểm phát triển mô hình, ông Phúc cho hay.

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".

Hà Giang
Ảnh: Trần Thế Cường