Sự hiện hiện của ngư dân trên biển không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế mà còn khẳng định chủ quyển biển đảo của Tổ quốc.

Thực hiện Nghị quyết của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận quân đội trong tình hình mới”, từ đầu năm 2017, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam bắt đầu triển khai một số mô hình dân vận là “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” tại các xã (huyện) đảo xa đất liền. Mô hình nhằm hỗ trợ ngư dân hoạt động nghề cá an toàn, đúng pháp luật và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Mô hình công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” nhằm đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác dân vận của lực lượng Cảnh sát biển trong tình hình mới; tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng địa phương các xã (huyện) đảo vững mạnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân và nhân dân trên các xã (huyện) đảo là nội dung quan trọng hàng đầu trong triển khai mô hình.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào: Tuyên truyền Công ước Luật Biển năm 1982; Luật Biển Việt Nam năm 2012; Luật Biển các nước trong khu vực có vùng nước giáp ranh với Việt Nam; Luật Thủy sản; Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Luật phòng chống tội phạm ma túy; Luật môi trường; tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản; tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước để khuyến khích, động viên nhân dân ra biển đánh cá, ổn định sinh sống trên đảo.

Việt Nam có vùng biển hơn 1 triệu km vuông rất nhiều tiềm năng, lại là tuyến vận tải có ý nghĩa. Để có thể mạnh từ biển, giàu nhờ biển chúng ta phải khai thác biển và đặc biệt bảo vệ tổ chức ngư dân khai thác đánh bắt hải sản trên vùng biển. Bởi vài năm trở lại đây, việc đánh bắt tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa gặp nhiều khó khăn hơn, bị tàu nước ngoài cướp hàng, phá hỏng ngư cụ, thậm chí bị bắt, có lực lượng Cảnh sát biển tuyên truyền về mốc giới được phép của mình, bà con ngư dân đã có ý thức hơn khi đi khai thác ngoài khơi xa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nhiều hoạt động đồng hành với ngư dân tại huyện đảo đã giúp cho bà con an tâm hơn trong hoạt động sản xuất đánh bắt cũng như định cư lâu dài trên hai ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa

Do vậy, bên cạnh việc tuyên truyền về pháp luật và các thông tin cần thiết, hàng ngày, Cảnh sát biển Việt Nam thường xuyên có từ 15 – 20 tàu, xuồng trực tại các đảo xa bờ và làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo trên các vùng biển của Tổ quốc nhất là vùng biển giáp ranh, vùng biển chồng lấn hoặc đang có tranh chấp giữa Việt Nam với các nước để hướng dẫn và tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản, hạn chế thiệt hại và ảnh hưởng đến công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

{keywords}
Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” là một điểm sáng nổi bật.

Tại Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Mô hình, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã báo cáo, xin ý kiến và được Thủ trưởng Tổng cục Chính trị đồng ý. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển đã ký Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” với Ban Thường vụ của 10 tỉnh, thành phố (Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang).

Như vậy, từ mô hình đã hình thành Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”. Đây là sự phát triển vượt bậc cả về quy mô, nội dung, hình thức thực hiện, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội đã ký kết để Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” mang tính pháp lý, lâu dài, bền vững và mang lại hiệu quả thiết thực.

Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” xác định thực hiện 06 nội dung chính: (1) Phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục pháp luật cho nhân dân, trong đó có ngư dân; (2) Phối hợp tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; (3) Giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, xóa đói, giảm nghèo, góp phần thực hiện tốt tiêu chí xây dựng nông thôn mới; (4) Hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển; (5) Giúp ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; (6) Phối hợp thực hiện huy động nhân lực, phương tiện, tàu thuyền tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Năm 2020 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình, kế thừa và phát huy kết quả, kinh nghiệm của các năm trước, các Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển đã phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vận các tỉnh ủy, thành ủy để xây dựng kế hoạch thực hiện làm cơ sở để Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động trọng điểm thực hiện Chương trình trong toàn lực lượng. Qua đó, đảm bảo tính thống nhất, đồng hộ, toàn diện, có chiều sâu, đồng đều giữa các tháng trong năm; đồng thời, có trọng tâm, trọng điểm và điểm nhấn.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc triển khai thực hiện Chương trình đã được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn và đạt được những kết quả bước đầu.

Các đơn vị trong lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã tuyên truyền về biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho trên 11.000 lượt người, phát 22.000 tờ rơi. Các tổ, đội đã tổ chức tuyên truyền cho 4.660 ngư dân tại các âu tàu, bến cảng; 36 tàu cá/200 ngư dân đang đánh bắt hải sản trên biển, phát 4.750 tờ rơi tuyên truyền về chống khai thác hải sản trái phép, không báo cáo và không được quản lý; bàn giao 01 nhà “Đại đoàn kết”; tặng hơn 4.000 suất quà, 2.000 cờ Tổ quốc, 100 áo phao, 40 túi thuốc cho ngư dân; tặng 228 cặp sách, 200 bộ đồng phục, 10 xe đạp, 20 suất học bổng cho các cháu học sinh nghèo học giỏi; 45.190 khẩu trang các loại, 6.811 chai nước rửa tay sát khuẩn để phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ 13.700 kg gạo; gần 4.000 m3 nước ngọt, 1.100 bình nước uống (loại 20 lít), 50 téc nước ngọt; khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho 500 lượt ngư dân,... với tổng trị giá gần 05 tỷ đồng1.

Với những kết quả đã đạt được có thể khẳng định, Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” là một điểm sáng nổi bật trong việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/QUTW, ngày 26/10/2015 của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới”. Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam sẽ tiếp tục nhân rộng chương trình này để tạo điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển, một mặt phát triển kinh tế, mặt khác góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Hoài Thanh - Ảnh Hồng Liên